Bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi ăn cá ngừ đang được điều trị tại BV Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: tri thức trực tuyến
Trước đó, ngày 18/5, sau khi ăn món cá ngừ, bệnh nhân N. (công nhân, 25 tuổi, đang làm việc ở Đồng Nai) bắt đầu nổi mẩn ngứa, phát ban toàn thân, khó thở, tụt huyết áp. Cô gái được chuyển đến bệnh viện Đồng Nai trong tình trạng sốc phản vệ. Các bác sĩ đã cấp cứu tại chỗ theo phác đồ sốc phản vệ nhưng do bệnh cảnh phức tạp và có dấu hiệu xấu, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo Bác sĩ Huỳnh Quang Đại, khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân bị sốc phản vệ phức tạp có kèm tổn thương phổi nặng nên được chỉ định đặt máy tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO).
Bác sĩ Đại cho biết khi nhập viện tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, huyết áp tụt, phải bóp bóng cung cấp oxy. Ống thở có những bọt màu hồng trào ngược ra ngoài chứng tỏ phổi bị tổn thương. Sau hơn 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã tự thở được, có thể nói chuyện.
Theo các bác sĩ, cá ngừ nếu bị ươn sẽ sinh ra chất độc. Hình minh hoạ
Bác sĩ kết luận ca bệnh này thuộc trường hợp sốc phản vệ nặng. Món cá ngừ có thể bị ươn sinh ra các chất độc khiến cô gái bị dị ứng.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân có tiền căn dị ứng nhiều thứ, từng bị hen suyễn lúc nhỏ, nghi ngờ sau khi ăn cá ngừ thì bị dị ứng và rơi vào tình trạng sốc phản vệ.
Bác sĩ khuyến cáo, đối với người có cơ địa dị ứng với một số loại thức ăn như tôm, cá biển... cần cẩn thận trước khi ăn. Sau khi ăn, nếu cơ thể nổi ngứa, phát ban mà có cơ địa dị ứng sẵn thì nên vào bệnh viện để theo dõi.
Xem thêm Clip: Công dụng thần kỳ của vỏ chanh