Thứ tư, 15/01/2025 | 06:27
RSS

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

Thứ tư, 15/01/2025, 06:26 (GMT+7)

Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.

Minh họa/INT

Tòa án không tuyên phạt ông Trump phải ngồi tù hay nộp tiền phạt hoặc lao động công ích nhưng phải mang danh suốt đời là người có tiền án, tiền sự và phạm tội hình sự. Kết cục như thế thật chẳng hay ho chút nào đối với uy danh của ông Trump dẫu chẳng gây hề hấn gì đối với việc ông trị vì nước Mỹ trong thời gian 4 năm tới.

Cứ theo biện luận của vị chánh án tuyên cáo mức phạt đối với ông Trump thì thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi ở nước Mỹ đã giải cứu ông Trump thoát khỏi hình phạt ngồi tù, nộp tiền hay lao động công ích.

Nói theo cách khác, vị chánh án kia không kết án ông Trump với mức án cụ thể mặc dù đã phán xử rõ ràng rằng ông Trump đã phạm tội hình sự vì muốn bảo tồn uy danh và phẩm giá của cương vị tổng thống nước Mỹ.

Từ giác độ pháp lý mà nói thì lập luận này là ngụy biện và khiên cưỡng. Nhưng từ giác độ chính trị thì lại không có gì là khó hiểu bởi tư pháp ở Mỹ đâu có phi chính trị và không những chỉ có phục vụ chính trị mà còn trực tiếp làm chính trị.

Nếu ông Trump không đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi thì phán quyết của tòa án về người này chắc chắn sẽ rất khác. Nếu người phạm tội chỉ là người dân bình thường thì hẳn tòa án sẽ đưa ra phán xử nặng chứ không thể chỉ là một bản án mang tính hình thức.

Như thế chẳng phải tất cả đều bình đẳng trước pháp luật Mỹ nhưng ông Trump lại được bình đẳng hơn hay sao? Cho nên, việc ông bị tòa kết án phạm tội hình sự nhưng lại không phải chịu hình phạt hay mức phạt nào tạo tiền lệ chính trị và pháp lý mới ở Mỹ mà hệ lụy của nó sẽ được hiểu, lý giải theo nhiều hướng, nhiều cách khác nhau. Nó cũng còn buộc thế giới bên ngoài phải nhìn nhận bản chất ngành tư pháp Mỹ bằng con mắt khác.

Đấy là một thất bại không phải không đau đớn đối với ông Trump và là vết mà người này không thể gột rửa được khỏi thể diện, uy danh. Nhưng về cơ bản, nó lại cho thấy ông thành công như thế nào trong chuyện ứng phó với các vụ việc liên quan đến pháp luật và tư pháp. Nó góp phần lý giải vì sao ông làm mọi cách và trả mọi giá để được trở lại cầm quyền. Chỉ khi đắc cử tổng thống, ông Trump mới có được cơ hội không bị tòa án tuyên án.

Trên cương vị tổng thống, ông Trump không thể tự ân xá cho chính mình vì vụ việc do tòa án ở bang New York xử lý và phán xử. Tai tiếng không thể rũ bỏ được này chắc chắn sẽ tác động không hề nhỏ tới cung cách và định hướng chính sách cầm quyền của ông trong thời gian 4 năm tới.

Kịch bản nhiều khả năng diễn ra nhất là ông Trump sẽ báo thù, nhằm vào người vận hành những vụ xét xử ông trước tòa; sẽ cải tổ hệ thống và bộ máy tư pháp; sẽ cài cắm “người của mình” vào những cương vị chủ chốt ở tòa án các cấp… để ngăn chặn việc sau khi mãn nhiệm lại có thể bị lôi ra trước tòa.

Phù Dung
Theo Giáo dục & Thời đại