Với các chuyên gia sức khỏe tâm thần thì một người đang bình thường bỗng trở nên bất bình thường là điều có thể lý giải được.
Như Đời sống Plus đã đưa tin, một gia đình 5 người ở Thanh Hóa có xuất phát điểm khá giả lao động giỏi ở xã Thành Vân (Thạch Thành, Thanh Hóa) đột nhiên cả nhà bà Nguyễn Thị Thành bỗng thay đổi với những việc làm kỳ lạ, khó hiểu. Vào năm 2001, bà Thành bất ngờ bán hết đàn trâu bò, mua hàng vạn chiếc bát, hàng ngàn chiếc lưới cày về treo lên cây và chôn trong vườn.
Sau khi đọc hai bài báo về gia đình kỳ dị ở Thanh Hóa hơn chục năm kín cổng, gần như tuyệt giao với xã hội loài người..., BS Trịnh Bích Huyền - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - khẳng định: Những người này có liên quan đến bệnh lý tâm thần.
BS Trịnh Bích Huyền - Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: HH
“Chuyện một người đang bình thường bỗng trở nên kỳ quặc đến khó hiểu như vậy có thể khiến mọi người thấy ngạc nhiên, nhưng với chúng tôi - những bác sĩ chuyên khoa tâm thần thì đó là điều bình thường. Ở bệnh tâm thần, có chuyện một người thay đổi 180 độ, tức là đang bình thường, tự nhiên thay đổi khác hẳn luôn. Trong chuyên ngành, chúng tôi gọi là “Tiếng sét giữa trời quang mây tạnh” - BS Huyền cho biết.
Theo BS Huyền, dù người đó trước kia có là gì đi nữa, “lao động tiên tiến”, “sản xuất giỏi”, “học giỏi”... chuyện thay đổi là việc rất bình thường.
PGS. TS. Bùi Quang Huy - Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 cũng cho biết mình cùng chung nhận định như BS Huyền: “Tôi đã đọc bài báo và dễ dàng nhận thấy gia đình này bị bệnh Tâm thần phân liệt”.
Giải thích cho nhận định của mình, PGS.TS Bùi Quang Huy chỉ rõ:
Tâm thần phân liệt có các triệu chứng sau:
BS Trịnh Bích Huyền đang khám cho bệnh nhân ở phòng khám sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh minh họa.
(Các hoang tưởng và ảo thanh này chi phối mọi hành vi của bệnh nhân, khiến họ có rất nhiều hành vi kì dị, khó hiểu, sống khép kín, thu mình, đoạn tuyệt với xã hội bên ngoài).
Giải thích về cơ chế bệnh sinh của chứng Tâm thần phân liệt, PGS.TS Huy cho biết: Bệnh tâm thần phân liệt do gen di truyền gây ra. Các gen di truyền này điều tiết việc sản xuất 1 chất dẫn truyền thần kinh rất quan trọng trong não đó là Dopamin.
PGS.TS Bùi Quang Huy - Chủ nhiệm Khoa tâm thần (Bệnh viện Quân y 103). Ảnh: songkhoe.vn
Bệnh Tâm thần phân liệt không phải do 1 gen đơn lẻ gây ra mà là tổ hợp các gen bệnh. Đến nay, người ta đã tìm thấy 104 gen gây ra bệnh Tâm thần phân liệt.
Người bình thường có khoảng 50-60 gen bệnh. Những người mang từ 80 gen bệnh trở lên thì sẽ có khả năng bị bệnh Tâm thần phân liệt. Người có càng nhiều gen bệnh thì khởi phát bệnh càng sớm và ngược lại.
Như vậy, không phải ai cũng phát bệnh vào cũng một lứa tuổi giống nhau. Các gen bệnh được kích hoạt không đồng thời, đến một thời điểm nào đó trong đời khi người ta có đủ 80 gen bệnh hoạt động trở lên thì căn bệnh xuất hiện.
6 triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt. Nguồn: Lâm Đồng TV
Như vậy, trước đó người ta hoàn toàn bình thường và bỗng một ngày... họ phát bệnh.
“Tâm thần phân liệt là bệnh kéo dài suốt đời và không thể khỏi được. Bệnh nhân mắc chứng Tâm thần phân liệt chỉ có thể được chữa ổn định bằng thuốc an thần (olanzapine, haloperidol…) và kỹ thuật sốc điện mà thôi. Việc điều trị Tâm thần phân liệt cũng phải kéo dài suốt đời” - PGS.TS Bùi Quang Huy cho biết.
Theo PGS.TS Bùi Quang Huy, bệnh lý tâm thần phân liệt do gien di truyền gây ra nên nó cũng có thể di truyền sang các thế hệ sau.
Gần 20 năm nay mẹ con bà Thành sống tách biệt với thế giới bên ngoài
Người bình thường mang 50-60 gien bệnh, nhưng không bị bệnh do không đủ số gien gây bệnh cần thiết. Do tổ hợp gien ngẫu nhiên, người con nào đó của cặp vợ chồng bình thường có thể nhận 40 gien bệnh từ mẹ và 45 gien bệnh từ bố, người đó sẽ có 85 gien bệnh và sẽ bị bệnh.
Tuy nhiên, người con khác của cặp vợ chồng này lại chỉ nhận 30 gien bệnh từ bố và 25 gien bệnh từ mẹ, người này sẽ có 55 gien bệnh và sẽ không bị tâm thần phân liệt
Ví dụ trên đã cho chúng ta thấy bệnh nhân Tâm thần phân liệt hoàn toàn có thể có bố, mẹ, anh, chị, em. Các nghiên cứu về tỷ lệ bệnh Tâm thần phân liệt trong cộng đồng đã chỉ ra rằng bệnh Tâm thần phân liệt có tỷ lệ là 1%, không phân biệt giới dính, dân tộc, trình độ học vẫn, giàu nghèo, nơi cư trú.
“Đối với bệnh nhân Tâm thần phân liệt, đương nhiên họ có nhiều gien bệnh hơn người bình thường, vì thế con cái họ cũng sẽ nhận nhiều gien bệnh hơn và có nguy cơ cao hơn bị Tâm thần phân liệt” - PGS.TS Bùi Quang Huy cho biết.
Chiểu theo những gì PGS.TS Huy phân tích, có thể thấy: Việc không chỉ bà Thành đột nhiên kỳ dị mà các con của bà cũng kỳ quặc như thế là điều có thể hiểu được.
Không có chuyện "phạm" hay "ma làm" gì cả
PGS.TS Bùi Quang Huy cho biết: Bệnh nhân Tâm thần phân liệt không bao giờ thừa nhận về bệnh của mình (phủ định bệnh), vì vậy việc cưỡng bức bệnh nhân đi khám và chữa bệnh là điều thường thấy.
Một trong những người con của bà Thành (đội nón) ăn mặc rất kỳ dị và không cho ai vào nhà.
Sau nhiều năm thống kê, PGS.TS Huy nhận thấy tỷ lệ bệnh nhân Tâm thần phân liệt bị cưỡng bức đi khám và chữa bệnh dưới mọi hình thức lên đến 97%. Vấn đề nằm ở chỗ ai bỏ công sức (và cả tâm huyết) đưa bệnh nhân đi chữa bệnh, chi phí phát sinh ai trả, các rắc rối khác ai gánh chịu? Nếu không phải là người ruột thịt của mình thì ít người dám làm việc này.
Không hiếm trường hợp bố biết con bị bệnh, chồng biết vợ bị tâm thần phân liệt, anh phát hiện ra em bị bệnh… mà họ còn không đưa bệnh nhân đi khám và chữa bệnh với lý do là... sợ!
PGS.TS Huy cho rằng, những người thân của vợ chồng bà Thành khi thuyết phục bệnh nhân không được, họ đã bỏ đi thì cũng không có gì là lạ.
Đem những băn khoăn, hoang mang của người dân về việc có thể gia đình bà Thành bị “ma làm”, hay “phạm” điều gì đó nên mới bị như vậy trao đổi với PGS.TS Bùi Quang Huy, ông phủ nhận luôn những thông tin hoang đường ấy.
PGS.TS Huy kể: “Tại khoa Tâm thần của Bệnh viện Quân y 103 nơi tôi làm việc, có nhiều cơ hội gặp “ma” lắm”.
Những người con của bà Thành sẽ kháng cự quyết liệt nếu người lạ định bước vào nhà mình.