Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:01
RSS

Chuyên gia nói gì về những biến chứng khi ủ tê trong phun xăm môi?

Thứ sáu, 13/12/2019, 19:41 (GMT+7)

Trước những thông tin về trường hợp gặp biến chứng khi sử dụng phương pháp gây tê khi phun xăm môi, mày, chị em cần trang bị những kiến thức khi làm đẹp để tránh gặp phải những hậu quả đáng tiếc.

Ảnh minh họa

Hàng gội đầu cũng dùng thuốc ủ tê như "bác sĩ"

Để có đôi môi tươi tắn, rút ngắn thời gian làm đẹp nhiều chị em không ngần ngại chọn phương pháp phun xăm môi. Tuy nhiên, quá trình gây tê trong phun xăm tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng mà ít ai biết.

Trong lĩnh vực phun xăm thẩm Mỹ việc sử dụng thuốc tê là kỹ thuật không thể thiếu vì công dụng của thuốc tê làm ức chế chuyên biệt và tạm thời luồng xung động thần kinh từ ngoại biên lên trung ương làm tạm mất cảm giác, không gây đau cho khách hàng.

Hiện nay, nhiều cơ sở spa, thẩm mỹ viện mọc lên để đáp ứng nhu cầu làm đẹp ngày càng nhiều của chị em. Thậm chí có nhiều quán cắt tóc, gội đầu cũng thực hiện phương pháp ủ tê để phun môi, mày. Tuy nhiên, không phải cơ sở làm đẹp nào cũng đủ uy tín và chuyên môn trong quá trình thực hiện kỹ thuật này. Trong khi đó, các cơ sở phun xăm, spa, thẩm mỹ viện mỗi nơi một phương pháp khác nhau, đủ kiểu đủ giá.

Đáng chú ý, trước đó trường hợp bà Phạm Thị Mỹ L. – nguyên đại biểu Quốc hội tử vong sau 2 giờ xăm môi, xăm mày tại một cơ sở phun xăm ở phường Long Thủy (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) khiến nhiều người vô cùng hoang mang.

Vụ tử vong sau làm đẹp này là lời cảnh tỉnh các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cơ sở phun xăm, spa, thẩm mỹ viện. Các cơ sở này vốn không thuộc ngành y tế nhưng lại thực hiện các kỹ thuật xâm lấn gây chảy máu, dùng thuốc kháng sinh, thuốc tê…

Cụ thể, qua tìm hiểu, không khó để chúng ta tìm thấy nhiều hàng cắt tóc, gội đầu hoặc các cở sở  spa, thẩm mỹ viện có dịch vụ phun xăm môi, lông mày. Phương pháp gây tê cho thấy, hầu hết việc phun xăm môi, mày đều sử dụng phương pháp gây tê bằng việc bôi lên vùng xăm.

Theo đó, việc gây tê vùng xăm môi như tạo 1 lớp lỳ trên da để khách hàng không bị cảm giác đau. Việc gây tê sẽ được kỹ thuật viên bôi kem lên bề mặt môi, sau đó úp băng dính bọc để thuốc tê có độ lỳ trên môi. Quá trình này được thực hiện trong 30-60 phút. Theo tư vấn của thẩm mỹ viện, liều lượng gây tê với phun môi sẽ có ước lượng, phun môi dùng 0,25 cc. 

Trong khi đó, một số cơ sở phun xăm quy mô nhỏ không có định mức liều lượng thuốc tê cụ thể. Hầu hết, việc sử dụng gây tê vùng xăm chỉ được thoa ước lượng. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe chị em.

Thuốc tiêm dưới da gây độc lớn

Để chị em hiểu hơn về quá trình gây tê khi phun xăm, PV Đời sống Plus đã liên hệ với Bác sĩ Nguyễn Huy Cảnh - Khoa Y học thực nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để giải đáp những thắc mắc về vấn đề trên.

Theo bác sĩ Cảnh, thuốc tê trong phun xăm không giống trong phẫu thuật. Việc gây tê trong làm đẹp có hai cách đó là: Tiêm và bôi. Loại tiêm trực tiếp có tác dụng giảm đau rất nhanh, hiệu quả hơn loại bôi.

Phun xăm thường chỉ sử dụng loại bôi có dạng mỡ, không có liều lượng cụ thể. Lượng dùng thuốc có trong tuýp đã có liều lượng chính xác. Nếu bôi ít thì hiệu quả ít hơn và bôi lớp mỏng hay dày cũng không ảnh hưởng đến hiệu quả gây tê. Nhưng thuốc tiêm vào người thì phải có liều lượng cụ thể. Với lượng thuốc tê người ta tiêm dưới da thì liều lượng thuốc tê để gây độc nó rất lớn và gây tê được trên diện rộng nên có tác dụng phụ lớn hơn rất nhiều.

Trong khi đó, thuốc bôi tê khi phun xăm cũng có những biến chứng khi người dùng mẫn cảm với các thành phần trong thuốc tê. Các biểu hiện dị ứng thường gặp như nổi mẩn, sưng đỏ môi... Nặng hơn là gây viêm loét, triệu chứng phồng dộp môi. Trường hợp bị dị ứng cách đơn giản là làm sạch bề mặt da.

Theo bác sĩ Cảnh, tất cả các loại thuốc tê được phép của Bộ Y tế hiện nay phần lớn sử dụng là thuốc emla 5%. Với thuốc bôi tê thì nồng độ cao hơn vẫn chấp nhận được vì bôi ngoài da ít ảnh hưởng.
"Những trường hợp phun, xăm gây tử vong thì khả năng nhiều trường hợp sử dụng thuốc tiêm tê hoặc do bệnh lý không được kiểm soát. Có thể người cao huyết áp và bệnh lý nặng chưa được phát hiện", bác sĩ chia sẻ.

Tất cả trường hợp quá mẫn cảm với thành phần của thuốc tê khuyến cáo không nên dùng. Đáng chú ý, những người dị ứng với thuốc tê mà sử dụng thuốc tiêm cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, việc tìm hiểu rõ về các phương pháp làm đẹp, những phẫu thuật nào cần gây tê để yêu cầu bác sĩ và cơ sở thực hiện đúng quy định là vô cùng cần thiết.

Trước khi quyết định thực hiện bất cứ dịch vụ làm đẹp nào, chị em cần lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ được cấp phép và có uy tín, không nên ham rẻ, tin theo những lời quảng cáo trên trời để không phải gặp cảnh 'tiền mất tật mang'.

Thiên Thanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN