Cháu T.Q.H, con út của gia đình ở Sóc Sơn tử vong ngày 16/11 nghi do bệnh whitmore.
Xót thương 3 cháu nhỏ cùng một gia đình tử vong!
3 cháu nhỏ tử vong đều là con của anh T.V.C (32 tuổi) và chị N.N.Q (26 tuổi) trú tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn Hà Nội
Theo báo cáo ngày 12/11 của Trung tâm Y tế Sóc Sơn (Hà Nội), các con của anh C. và chị Q. là T.Q.T (sinh năm 2012), T.C.V (sinh năm 2014) tử vong vào tháng 4 và tháng 10/2019 với các biểu hiện sốt cao kèm đau bụng. Cháu T tử vong tại bệnh viện Xanh pôn với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột, cháu V. tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết, dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei (gây ra bệnh Whitemore).
Mới đây nhất, con út của anh C. và chị Q. là cháu T.Q.H (sinh năm 2018) cũng nhập viện vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao 38,5 độ và tử vong sau đó. Gia đình cho biết cháu có kết quả xét nghiệm máu dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei (bệnh whitmore).
Gọi vi khuẩn “ăn thịt người” là không chính xác”
Sau khi xảy ra sự việc, người dân xung quanh vô cùng hoang mang vì lo lắng nguy cơ lây bệnh whitmore từ gia đình 3 nạn nhân trên. Để tìm lời giải cho câu hỏi bệnh bệnh Whitmore có lây giữa người với người hay không, pv đã tìm tới TS. Trịnh Thành Trung, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học thuộc ĐHQGHN là một trong những nhà khoa học có hơn 10 năm nghiên cứu chuyên sâu về vi khuẩn Whitmore.
TS. Trịnh Thành Trung
Theo TS. Trịnh Thành Trung, Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp.
"Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei là vi khuẩn sống trong đất, vì thế con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có có vi khuẩn. Lây nhiễm qua con đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn trong những trận gió lốc xoáy trước cơn mưa cũng đã được đề xuất. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra những bằng chứng nhiễm bệnh khi ăn các thức ăn có vi khuẩn. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học thuyết phục nào về lây bệnh giữa người với người hoặc từ động vật sang người qua con đường không khí”, TS Trung cho hay.
TS. Trịnh Thành Trung cũng khuyến cáo, khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn Whitmore, nên đến những cơ sở y tế uy tín, có xét nghiệm vi sinh để chẩn đoán. Một trong những xét nghiệm cuối cùng để chấn đoán có mắc bệnh này hay không đó là xét nghiệm vi sinh.
Khi đã phát hiện ca bệnh, các bác sĩ lâm sàng sẽ có phác đồ điều trị, bệnh nhân cần phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị, bởi điều trị bệnh này kéo dài ít nhất 6 tháng. Nếu không tuân thủ đúng thì sẽ dễ tái phát lại, khi đã tái phát lại tính nguy cấp của bệnh sẽ phát triển nhanh, khả năng tử vong cao.
Bệnh lây chủ yếu qua đâu?
Để phòng tránh vi khuẩn Whitmore, TS. Trung nhấn mạnh: “Bệnh này lây chủ yếu qua tiếp xúc vết trầy xước với đất và nước, nên một trong những yếu tố phòng bệnh là người dân cần có bảo hộ lao động như ủng, gang tay khi tiếp xúc đất, nước”.
Thông tin thêm về bệnh Whitmore mà nhiều người thường gọi là vi khuẩn “ăn thịt người” gây hoang mang dư luận thời gian qua. TS. Trịnh Thành Trung cho rằng: “Khái niệm vi khuẩn “ăn thịt người” hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc, không phải là khái niệm của bệnh này.
Về cơ bản, đây là bệnh nhiễm khuẩn, có biểu hiện lâm sàng đa dạng. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là viêm phổi dẫn đến sốc nhiễm khuẩn huyết có thể dẫn đến tử vong, bên cạnh cơ quan tấn công là phổi thì còn nhiều cơ quan khác trên cơ thể gây áp se, bụi mủ chứ không phải vi khuẩn ăn thịt người. Gọi vi khuẩn “ăn thịt người” là không chính xác”.
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh whitmore.
Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi... Bệnh Whitmore có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore từ khoảng 40-60%. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. |