Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:49
RSS

Chuyên gia khuyến cáo người dân không tự ý mua thuốc Tamiflu điều trị cúm

Thứ năm, 28/07/2022, 10:23 (GMT+7)

Thời gian gần đây, số ca mắc cúm tăng nhanh. Các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc Tamiflu.

Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mỗi năm, nước ta ghi nhận từ 600.000 đến 1 triệu ca mắc cúm mùa. Từ đầu năm 2022 đến nay, một số tỉnh, thành phố phía bắc ghi nhận nhiều ca mắc cúm. Trong đó, Quảng Ninh ghi nhận khoảng 1.200 ca, Hà Nội ghi nhận khoảng 2.600 ca.

Tất cả các ca bệnh này đều là cúm mùa, không có triệu chứng nặng và chưa ghi nhận ca mắc cúm có độc lực cao như H5N1, H7N9. Điều này không bất thường so với các năm trước.

Trao đổi với Báo sức khỏe & Đời sống, ThS.BS Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mùa cúm năm 2022 đến sớm hơn mọi năm, thậm chí trái mùa. Lượng bệnh nhân tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Cụ thể, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã ghi nhận hơn 2.600 trường hợp mắc cúm. Nếu như từ tháng 1-4/2022, số ca mắc dưới 400 trường hợp/tháng thì từ tháng 5/2022, số mắc tăng cao. Đặc biệt trong tháng 6/2022 ghi nhận có đến 887 trường hợp mắc, tăng 60% so với tháng 5 (556 ca).

Trong hai tuần đầu tháng 7/2022, riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đã tiếp nhận khám và sàng lọc cho 1.068 ca nghi nhiễm cúm. Con số này lớn hơn cả số ca nghi nhiễm cúm cả 6 tháng đầu năm cộng lại tới khám ở viện này. Trong số này, hơn 35% bệnh nhân (tương đương 375 ca) có kết quả test nhanh dương tính với cúm. Đặc biệt, có tới 366 ca dương tính với cúm A.

Chuyên gia khuyến cáo người dân không tự ý mua thuốc Tamiflu điều trị cúm

Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự mua thuốc Tamiflu điều trị cúm

Theo bác sĩ Kiên, cúm là bệnh thông thường, 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Một số trường hợp nặng có thể gây biến chứng như co giật, tổn thương gan, thận, phổi, gây tử vong nhanh do suy hô hấp và viêm cơ tim,...

Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi; người trên 65 tuổi; phụ nữ mang thai là những đối tượng dễ bị virus cúm tấn công nhất. Ngoài ra, cần lưu ý những người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, thiếu máu, suy giảm miễn dịch…

Trước tình hình số ca mắc cúm tăng nhanh, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo người dân không nên tự mua thuốc điều trị như Tamiflu vì thực tế không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng loại thuốc này.

Những trường hợp mắc cúm nếu nhẹ thì không cần thiết phải uống thuốc này mà bệnh sẽ tự khỏi. Hơn thế, việc dùng thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48h đầu, theo chỉ định của bác sĩ. Sau 48h, bệnh nhân cúm chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng.

Liên quan đến vấn đề này,  bác sĩ Vũ Quốc Đạt, giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm (Đại học Y Hà Nội) cũng cho Báo điện tử Chính phủ biết, không nên tự ý mua Tamiflu để điều trị bệnh cúm, vì thuốc Tamiflu hiện nay chủ yếu sử dụng đối với bệnh nhân mắc cúm nặng, hoặc đối tượng có nguy cơ bệnh tiến triển nặng. Với những người không có bệnh lý nền, khỏe mạnh, khi mắc cúm triệu chứng nhẹ, việc dùng Tamiflu không cần thiết.

Nếu sử dụng Tamiflu không đúng cách, sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Giống như vi khuẩn, virus cũng có khả năng kháng thuốc điều trị, nên việc sử dụng Tamiflu quá mức có thể gia tăng sự xuất hiện virus kháng thuốc. Điều đó làm mất khả năng điều trị cúm khi bệnh nhân tiến triển nặng.

Theo bác sĩ Đạt, hiện nay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới có rất ít thuốc có khả năng điều trị cúm. Vì vậy, nếu người dân tự ý dùng thuốc, không theo đơn của bác sĩ, chắc chắn sẽ làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc.

Trong khi đó, chia sẻ trên Báo VTC News, tiến sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cũng khuyến cáo phụ huynh không nên tự ý mua thuốc Tamiflu cho trẻ sử dụng.

Theo tiến sĩ Hải, Tamiflu là thuốc dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp. Tuy nhiên, một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào dịch cúm A/H1N1 năm 2009 cho thấy, nếu sử dụng Tamiflu sau 48h kể từ lúc có triệu chứng sốt thì không khác gì nhóm bệnh nhân không dùng. Cách đây vài năm, tại một hội nghị cúm ở Singapore, một báo cáo cho biết, sau năm ngày dùng Tamiflu, vẫn có tới gần 60% số em bé có virus cúm ở trong họng, sau mười ngày vẫn còn 30-40%.

Bệnh cúm là tình trạng nhiễm virus cúm ở đường hô hấp gây ra các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, đau mỏi người, ho và đau họng. Ho thường nặng và kéo dài, có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy), đặc biệt ở trẻ em. Bệnh cúm có thể chỉ biểu hiện bằng các triệu chứng cảm lạnh thông thường kể trên nhưng cũng có thể tăng nặng thành bệnh viêm phổi đe dọa tính mạng hoặc các biến chứng nguy hiểm khác.

Đa phần người bệnh cúm có thể tự hồi phục trong khoảng 1 đến 2 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên một số biến chứng nghiêm trọng của bệnh cúm có thể xuất hiện và cần phải được điều trị tại các cơ sở y tế.

Điều trị bệnh cúm bao gồm điều trị triệu chứng bệnh và điều trị bằng thuốc kháng virus đặc hiệu. Không phải người bệnh cúm nào cũng cần điều trị bằng thuốc kháng virus mà chỉ những người có các yếu tố nguy cơ hoặc có tình trạng bệnh, biến chứng đáng lưu ý mới cần dùng thuốc. Do vậy, việc dùng thuốc kháng virus cho người bệnh là quyết định của bác sĩ điều trị được cân nhắc trong từng trường hợp người bệnh cụ thể.

Hiện nay ở Việt Nam, Tamiflu là thuốc được cấp phép lưu hành để điều trị cúm. Tamiflu (hoạt chất oseltamivir phosphate) là một thuốc kháng virus điều trị bệnh cúm, thuốc hoạt động thông qua việc tấn công gây bệnh cúm, ngăn cản chúng không nhân lên trong cơ thể người bệnh và giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh. Tùy trường hợp Tamiflu có thể giúp phòng ngừa bệnh cúm nếu người bệnh dùng thuốc trước khi mắc bệnh.

Tamiflu không phải là thuốc kháng vi rút duy nhất dùng cho bệnh cúm. Một số thuốc kháng vi rút khác có chỉ định để điều trị bệnh cúm như Relenza (HC: zanamivir), Rapivab (HC: peramivir) và Xofluza (HC: baloxavir).  

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, ngành y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp như: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng bằng nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân tiêm vaccine cúm mùa hàng năm với người từ 6 tháng tuổi trở lên; hầu hết các chủng cúm đã có vaccine phòng bệnh. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại