Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:28
RSS

Chùm bóng bay phát nổ, 4 người nhập viện

Thứ tư, 18/09/2019, 20:59 (GMT+7)

Giám đốc điều hành CLB Sông Lam Nghệ An Hồ Văn Chiêm cho biết, một chùm bóng bay (có khí hydro) phát nổ khiến 3 cầu thủ U14 và 1 bảo vệ bị bỏng.

Ba cầu thủ bị bỏng gồm: N.D.Đ. (trú tại xã Thành Tường, huyện Thanh Chương), T.N.Q. (trú tại xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu) và P.M.H. (trú tại xã Nghi Phú, TP Vinh) thuộc đội U14, của CLB Sông Lam Nghệ An.

Các cầu thủ nhí cho biết, sáng 15/9, tại sân trong của CLB diễn ra lễ khai mạc trận đấu bóng giữa 2 ngân hàng. Trong buổi lễ có sử dụng một số chùm bóng bay được bơm khí hydro.

Khi nhóm cầu thủ U14 đang lấy chùm bóng bay để che nắng thì ông Lâm (bảo vệ) đến dùng bật lửa đốt khiến chùm bóng phát nổ. Các em Đ., H. và Q. bị bỏng vùng mặt, cổ và tay,.

Ngay lập tức, các nạn nhân sau đó được đưa đến Bệnh viện Sản nhi Nghệ An để cấp cứu. Do tình trạng nặng hơn, nên ông L. được chuyển ra một Bệnh viện ở Hà Nội để tiếp tục điều trị. Còn 3 nạn nhân còn lại (là các cẩu thủ U14 SLNA) hiện đang được điều trị tích cực Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An.

Bóng bay phát nổ bất ngờ, 3 cầu thủ Sông Lam Nghệ An bị bỏng
Các cầu thủ được điều trị. Ảnh: Infonet

Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho Trí thức trẻ biết, bản thân mỗi trái bóng khi được bơm đầy khí hydro, chúng sẽ có áp lực lớn và rất dễ gây nổ.

Chỉ cần có một thay đổi nhỏ về nhiệt độ, áp suất, gặp ma sát, bị vật sắc nhọn chạm vào..., khí hydro trong bóng sẽ thoát ra, kết hợp với oxy trong không khí, ở điều kiện thích hợp với áp suất đủ lớn, chúng sẽ gây ra cháy nổ. Khi một trái bóng nổ, chúng tạo nên áp lực và khiến toàn bộ chùm bóng nổ cùng lúc, có khả năng gây sát thương lớn.

Bác sĩ Thống phân tích, bóng bay thực chất rất dễ nổ. "Nguy hiểm nhất là khi cho trẻ nhỏ cầm chơi, chúng thường có thói quen đè, ép bóng, có thể dùng móng tay sắc nhọ chạm vào và nguy cơ nổ càng cao.", bác sĩ Thống nói.

Bác sĩ Thống chia sẻ, không phải trường hợp nào bóng bay nổ cũng gây cháy, bỏng. Tuy nhiên, do chúng ta thường "chơi" loại bóng này theo chùm, khi một quả nổ là tất cả nổ theo, bóng bay lại thường để trong phòng kín, ô tô... nên khả năng cháy nổ rất cao.

Mức độ bị thương do nổ bóng bay nặng hay nhẹ còn tùy vào từng trường hợp. Nếu không may gặp tai nạn, theo bác sĩ Thống, điều đầu tiên cần làm là hết sức bình tĩnh, lập tức làm lạnh vết thương, ngâm nước từ 15 - 30 phút, sau đó dùng gạc sạch, băng nhẹ vết thương và lập tức đưa đến bệnh viện cấp cứu.

"Về bản chất, bỏng do nổ bóng bay cũng như các loại bỏng khác, khả năng hồi phục, mức độ nặng nhẹ còn tùy thuộc tính chất vụ tai nạn, cơ địa của từng bệnh nhân. Tuy nhiên, bỏng do nổ bóng bay nguy hiểm hơn ở chỗ mọi người thường cầm bóng trên tay nên vùng bị thương thường là mặt, mắt và vùng cổ, những vùng da hở, không có quần áo che phủ và khá nhạy cảm.", bác sĩ Thống tư vấn.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN