Thứ năm, 25/04/2024 | 13:45
RSS

Chủ cửa hàng buôn cá thu và câu chuyện bơm tiết lợn vào cá

Thứ ba, 27/06/2017, 07:00 (GMT+7)

Mới đây, dòng chia sẻ trên Facebook của một chủ hàng buôn cá gây sốc, khi tiết lộ người bán thường tiêm tiết lợn vào cá thu để... nhìn cho tươi

Cá thu được tiêm tiết lợn cho... tươi

Cá thu là loại thực phẩm được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi hàm lượng dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, mới đây một chủ cửa hàng tiết lộ trên Facebook về "tuyệt chiêu" bơm tiết lợn vào cá thu gây sốc khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng.

Theo chia sẻ của anh này thì: “Đợt rồi gia đình vợ chồng anh bạn vào chơi, cho đến sáng sớm ngày về, thì họ có nhờ tôi dẫn ra biển mua ít hải sản tươi đem về làm quà. Chuyện không có gì to tát nếu họ không mua cá thu. Bởi hôm đó nhà chị mua 2 con cỡ 10 kg, với giá 180.000 đồng/kg. Thực sự là, tôi định can gián anh chị đừng mua. Nhưng tôi không thể làm được, bởi lẽ tôi cũng là người bán hải sản và quanh năm ngày tháng làm ăn ở đây, không thể nào mà “bóc phốt” người bản địa ngay trên mảnh đất của họ được.

Thực ra cá thu anh bạn tôi mua hôm ấy là cá xe (cá xe: tiếng lóng chỉ cá nơi khác về và được bảo quản kho đông lạnh lâu ngày, cá không còn được tươi nữa). Còn cá biển đánh về hôm đó bán tại bãi là 230.000 đồng/kg (bán cho dân buôn), chứ thực tình nếu mua lẻ cá ấy không dưới 250.000 đồng/kg.

cá thu tươi

Cá thu tươi sẽ có màu đen, vây và đuôi vẫn còn lành lặn khắc hẳn với cá thu bị bơm tiết lợn.  Ảnh: Dân trí

Có đôi khi cá xuống thấp hơn vài giá nhưng không thường xuyên, và không rẻ đến nỗi khi qua lái buôn rồi mà bán ra thị trường với giá 170.000 - 180.000 đồng/kg.”

Theo thông tin trên tờ Dân trí thì PV đã liên lạc trực tiếp với anh H. là một người chuyên buôn hải sản với thâm niên 5 – 6 năm nay và được tiết lộ người bán sẵn sàng bơm một ít tiết lợn vào mang cá để qua mắt người mua. Điều này đặc biệt thường xảy ra tại các chợ bãi biển.

“Đúng là khi câu tươi lên thì có máu cá, nhưng khi đã để ướp lạnh qua đá nửa ngày thì máu sẽ đông lại và thẩm thấu vào thịt, nên nó sẽ không chảy ra ngoài nhiều. Còn để lòe người mua thì người ta sẽ bơm vào mang để giữ màu đỏ lâu, lúc cắt, mổ hay dốc ngược thì máu sẽ chảy ra.”, anh H. cho biết thêm.

Nhưng theo anh H., cá cấp đông vẫn có thể có máu nhưng cá phải được cấp đông bằng máy 2 cấp và bảo quản đúng quy trình thì khi rã đông cắt ra máu vẫn tươi roi rói. Tuy nhiên, việc đánh bắt bằng tàu gỗ thì không thể có quy trình này mà vẫn phải làm đông thủ công.

Anh H. cũng cho biết thêm: “Ngoài mánh khóe đó, với loại cá tươi đã nướng miếng rồi, có một loại gọi là “cá cam” chỉ rẻ bằng một nửa cá thu. Nhưng bằng kĩ thuật cắt khúc của riêng họ, họ cắt xéo lát giống y hệt cá thu.”

Cách lựa chọn cá biển tươi ngon

Cá thu là loại cá được rất nhiều gia đình yêu thích song giá của chúng thì không rẻ chút nào. Theo chia sẻ của anh H thì đuôi cá mục đã có giá 150.000 đồng/kg loại nhỏ, loại to 160.000 đồng/kg. Còn với cá tươi thì giá rơi vào khoảng 250.000 đồng/kg.

cá thu bị bơm tiết lợn

Cá thu bị mục đuôi sẽ có giá từ 150 - 160 nghìn đồng/kg. Ảnh: Dân trí

Mặc dù thế nhưng người dân cũng không thể mua được loại cá còn tươi để ăn. Đơn giản bởi mỗi khi có cá thu tươi thì sẽ được người dân ở đây mua trước. Vì thế, với người dân bình thường việc mua được thực phẩm sạch, tươi, ngon là điều khá khó.

Hơn nữa, nếu khi hỏi những người bán, bạn sẽ nhận được câu trả lời cá có nguồn gốc từ trong Nam. Song, theo chia sẻ của anh này thì: “Thật ra mà nói, nguồn tươi sống còn không đủ cung cấp trong Nam. Vì độ ăn nhậu giảm dần từ Nam ra Bắc, miền Bắc ăn nhậu 3 thì miền Trung ăn nhậu 6 còn miền Nam họ ăn 9, nên chỉ để bán trong đó là hết.”

Theo thông tin mà Infonet chia sẻ về cách chọn cá biển tươi ngon, mắt cá: Cá tươi mắt sẽ lồi và trong suốt, giác mạc đàn hồi. Mắt cá ươn sẽ lõm vào trong hốc, có màu đục và giác mạc mắt nhăn nheo, thậm chí rách nát. 

Cá tươi có mang màu đỏ hồng, dính chặt với hoa khế, không nhớt, không có mùi hôi.Trong khi đó mang cá ươn màu xám, không dính chặt với hoa khế, có nhớt, có mùi hôi. 

Cá tươi có vảy óng ánh, bám chặt với thân, không có niêm dịch, không có mùi hôi. Còn vây cá ươn thì mờ, không sáng óng ánh, dễ tróc khỏi thân cá, có mùi. 

Ngoài ra, miệng cá biển tươi ngậm kín, còn cá ươn thì miệng hé mở. Đối với cá biển cấp đông lạnh quá lâu ngày hoặc gặp vấn đề khi bảo quản thì răng cá thường bị rụng. Bạn cũng có thể ấn ngón tay vào thịt cá để thử, thịt cá tươi sẽ rắn chắc, đàn hồi, không hằn vết ấn.

Nguyễn Quỳnh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN