Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:32
RSS

Nướng mực bằng cồn: Hiểm họa bất ngờ có thể gây tử vong

Thứ hai, 26/06/2017, 16:28 (GMT+7)

Nướng mực bằng cồn là thói quen của nhiều người vào mùa hè. Nhưng việc làm này khá nguy hiểm bởi chỉ cần sơ suất nhỏ cũng có thể gây bỏng nặng dẫn tới tử vong.

Theo chia sẻ mới đây nhất của một chủ tài khoản facebook có tên Military Medicine trên mạng xã hội cách đây vài ngày cho biết, chỉ trong tối 14/6/2017, Khoa Nhi (Bỏng Trẻ Em) Viện Bỏng Quốc Gia tiếp nhận 2 cháu bị Bỏng mà nguyên nhân đều giống nhau: Đứng xem nướng mực chuẩn bị uống Beer. Khi cồn "hết", người nướng mực đã tiếp cồn trực tiếp vào đĩa và đương nhiên gây ra tai nạn cháy nổ. Nạn nhân gần như là "ngọn đuốc sống".

Hình ảnh hai cháu bé bị bỏng vừa được đăng tải đã lan truyền chóng mặt. Nhiều người tỏ ra thương cảm nhưng cũng có nhiều người trách mắng sự vụng về của người lớn khiến các em bị bỏng nặng phải cấp cứu.

2 bé bị bỏng nặng

Hình ảnh 2 bé bị bỏng nặng được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Facebook

Tương tự, trước đó, chị Nguyễn Thị L. trú tại Hưng Yên nhập viện trong tình trạng bỏng nặng vùng mặt và vùng cổ. Theo người nhà của nạn nhân, mấy hôm trước L. từ Hà Nội về quê mang theo ít mực khô vì vợ chồng mới đi du lịch về.

L. mang hết gói mực và lọ cồn 0,5 lít ra phía góc sân nướng mực. Trong lúc nướng mực gần xong, L. cầm lọ cồn rưới thêm vào chậu để cho mực chín kỹ. Vô tình gió to khiến lửa tạt ngược lại phía chị đang ngồi. Hoảng quá nên L hất tung lọ cồn lên càng làm cho lửa bốc cháy và toàn bộ phần trên cơ thể của L. biến thành ngọn đuốc. Chồng L. nhanh chóng múc nước dội vào người vợ. Cùng với sự trợ giúp của người thân. L. được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Nằm viện đến nay đã 2 tuần, sức khỏe của L. vẫn rất yếu.

Tiếp đến, trường hợp của chị Bùi Kim Kh. trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng tương tự. Chị Kh. nướng mực cho chồng và bạn của chồng nhân dịp sinh nhật con gái. Trong khi nướng mực do bất cẩn nên lửa bùng lên bám vào chiếc váy của chị Kh. đang mặc khiến chị bị bỏng nặng. Trong lúc bị bỏng do hoảng loạn nên chị Kh. chạy xung quanh nhà. Cả nhà cùng hoảng nên không dập tắt ngọn lửa.

Khi nhập viện chị bị bỏng nặng phần chân và phần phụ. Bác sĩ cho biết do đặc thù mặc váy lửa bén ở phần dưới váy nên bệnh nhân như thế ít bị bỏng ở mặt. Song phần phụ của bệnh nhân lại bị tàn phá khá nặng nề.

Cháu Nguyễn Anh T. trú tại Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội lại bị bỏng do đứng xem bố nướng mực. Lúc ngọn lửa từ cồn bùng bùng lên bố cháu cũng sợ. Và rồi ngọn lửa nuốt trọn đôi chân của bé T. Mẹ của bé cho biết may mắn là lúc ấy ông cháu đang phun nước tưới cây nên gặp cảnh đó, ông lấy luôn nước đó dập lửa nên cháu chỉ bị bỏng nông ở hai chân và một phần vai cổ.

Theo thống kê của khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, vào những ngày hè, số bệnh nhân nhập viện do bỏng tăng 20%, trong đó có tới 60% bỏng ở trẻ em. Bác sĩ Nguyễn Thống – trưởng khoa Bỏng bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, trẻ em bao giờ cũng chiếm tỷ lệ cao trong bỏng. Trên thực tế bỏng có thể tránh được nhưng do bất cẩn của người lớn. Với những trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi rất dễ bị bỏng vì giai đoạn này trẻ tập đi, tập bò, hay khám phá.

Ngoài ra, do không nhận thức được hậu quả của bỏng cồn nên hiện nay còn rất nhiều người dân chủ quan vẫn sử dụng cồn để nướng thức ăn. Chỉ cần một tích tắc sơ ý, người sử dụng cồn để nướng thức ăn có thể đánh đổi bằng cả mạng sống của chính mình.

Bỏng cồn rất nguy hiểm và có thể gây chết người. Tại các chuyên khoa bỏng, các bác sĩ đều khuyến cáo người dân nên bỏ thói quen sử dụng cồn để nướng thức ăn.

Nướng mực bằng cồn

Nướng cồn rất nguy hiểm có thể gây bỏng nặng nếu bất cẩn. Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Thống, bỏng cồn thường xảy ra khi tiếp thêm cồn trong khi lửa vẫn cháy âm ỉ. Hầu hết các trường hợp bỏng cồn trong ngày hè là do nướng mực và đều nói rằng do đổ thêm cồn vào và ngọn lửa bùng lên, nạn nhân hoảng loạn càng làm cho cồn bắn ra xa.

Theo bác sĩ Thống, ngọn lửa cồn có đặc điểm là màu trắng. Vì vậy, nhiều người khi không nhìn thấy ngọn lửa, tưởng là đã hết cồn, hết lửa, nên họ đã đổ thêm cồn vào, lửa sẽ bùng lên. Các trường hợp bỏng cồn thường bỏng ở mặt, thân trước, tứ chi. Bỏng cồn được xếp vào dạng bỏng lửa và có cách cấp cứu của bỏng lửa.

Các bệnh nhân bị bỏng cồn có thể gây ra tình trạng tổn thương các giác quan và tổn thương đường hô hấp, có nguy cơ tử vong cao. Đối với bỏng vùng thẩm mỹ và vùng vận động như mặt, chân, tay di chứng để lại thường lớn.

Khi bị bỏng, cần tìm cách dập lửa bằng nước lã. Sau đó cần xem bệnh nhân có phải cấp cứu khẩn cấp không. Không nên cố lột bỏ quần áo trên người nạn nhân khi đã cháy. Phải ngay lập tức đưa bệnh nhân đến viện gần nhất.

Mọi người lưu ý cách sử dụng cồn khi nướng mực:

- Không bao giờ được tiếp cồn trực tiếp (rót, phun) vào đĩa.

- Không bao giờ được quan sát ngọn lửa chỉ bằng mắt thường mà chủ quan phán đoán cồn đã cháy hết. Không nên để người cận thị hay loạn thị nướng mực với Cồn.

- Không cho trẻ con đứng gần chỗ nướng mực.

- Không nướng mực bằng cồn trong nhà.

- Không được để phần cồn còn lại (chai, lọ, can) hoặc bật lửa ga cạnh chỗ nướng.

- Nếu cồn trong đĩa chưa cháy hết, không dập lửa bằng nước. Hãy để cháy hết, hoặc ngăn tiếp xúc với oxy bằng cách xúc cát đổ vào chậu, quăng chăn vải dầy phủ lên.

 

An Dương
Theo Vietq.vn