Thứ bảy, 20/04/2024 | 14:29
RSS

Cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng

Thứ sáu, 08/12/2017, 18:20 (GMT+7)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa họp bất thường, đồng thuận cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.

Ông Đinh La Thăng trong một cuộc tiếp xúc cử tri tại TP. HCM hồi tháng 8/2016.

Chiều 8/12, tại Hà Nội Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bất thường, thông qua 2 nghị quyết với sự đồng thuận của tất cả ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt, về việc cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).

Ông Đinh La Thăng hiện là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ông được xác định có liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan công an đang điều tra.

Cơ quan cảnh sát điều tra và cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra 2 vụ án liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng: 

(1) Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỉ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank); 

(2) Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản (điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội

Điều 38 Luật Tổ chức Quốc hội quy định việc xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội: "Đại biểu Quốc hội có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác. Việc chấp nhận đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ do Quốc hội quyết định; trong thời gian Quốc hội không họp thì do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất".

Điều 39 về việc tạm đình chỉ hoặc mất quyền ĐBQH:

1. Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can thì Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó. Đại biểu Quốc hội được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.

2. Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật.

Một chuyên gia về công tác đại biểu cho biết, trong trường hợp ông Đinh La Thăng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết cho thôi nhiệm vụ để phục vụ công tác điều tra, như vậy là áp dụng theo điều 38, có thể hiểu là cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội theo nguyện vọng cá nhân của ông Thăng.

Nghị quyết không để đề cập đến việc tạm đình chỉ tư cách đại biểu Quốc hội, như vậy là không áp dụng điều 39.

Lê Kiên
Theo Tuổi trẻ