Thứ bảy, 20/04/2024 | 03:09
RSS

CĐV Việt Nam 'vô địch' về sự cuồng nhiệt, chuyên gia tâm lý nói gì?

Thứ ba, 20/11/2018, 13:33 (GMT+7)

"Những người "đi bão" chủ yếu tập trung ở giới trẻ, do họ quá thiếu chỗ vui chơi, quanh năm áp lực với công việc, họ chỉ dựa vào những ngày này để ra đường hò hét, thỏa mãn cái xúc cảm lâu nay bị kìm nén...", chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nói.

Đi bão phục vụ nhu cầu giải tỏa là chính
Đi bão để phục vụ nhu cầu giải tỏa là chính. Ảnh Internet

"Hiệu ứng" U23 Việt Nam đã kéo sang đến cả đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018. Thành công của lứa U23 đã làm nức lòng CĐV nhà và bây giờ vẫn là Công Phượng, Quang Hải Xuân Trường đang mang đến cho người hậm mộ một kỳ vọng mới - vô địch giải bóng đá uy tín trong khu vực.

Có lẽ trước khi giải đấu diễn ra, ít ai nghĩ rằng CĐV Việt Nam vẫn giữ được sự yêu mến và cuồng nhiệt các cầu thủ như vậy. Các báo trong khu vực đã gọi CĐV Việt Nam là "hiện tượng" và đi tìm nhiều lời lý giải. Đặc biệt, sau trận thắng Malaysia, hàng vạn người đã xuống đường ăn mừng như thể... Việt Nam đã vô địch dù đó mới là trận đấu thứ 2 ở vòng đấu bảng khiến tất cả đều bất ngờ.

Dường như, thói quen đổ ra đường ăn mừng sau mỗi chiến thắng của đội bóng đã trở thành "điều đương nhiên". Việt Nam chiến thắng là khắp mọi nẻo đường, người dân đổ ra ăn mừng, ai nấy đều nở nụ cười rạng rỡ cùng hô vang: "Việt Nam, Việt Nam", "Việt Nam vô địch"... Những lá cờ tổ quốc tung bay khắp mọi nơi. Trống, kèn, còi hơi, tiếng nẹt pô, hay bất cứ vật dụng gì phát ra âm thanh, đều được mang ra sử dụng để đập, gõ, hò hét trong sự vui sướng tột cùng.

Lý giải về "hiện tượng" cuồng nhiệt của CĐV Việt Nam, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nói: “Thứ nhất phải nói những người "đi bão" chủ yếu tập trung ở giới trẻ, do họ quá thiếu chỗ vui chơi, quanh năm áp lực với công việc, họ chỉ dựa vào những ngày này để ra đường hò hét, thỏa mãn cái xúc cảm lâu nay bị kìm nén, một phần nữa cũng là do hiệu ứng đám đông.

Đôi khi họ không hiểu tính chất của trận đấu, thậm chí còn không biết Việt Nam vừa đá với đội nào, chỉ cần biết thắng là được. Không chỉ riêng đá bóng, những ngày khác như Noel, Valentine, Tết dương... cũng rất đông người ra đường "đi bão", thấy mọi người vui thì mình cũng vui. Việc "đi bão" đang là trào lưu, phục vụ nhu cầu giải tỏa là chính".

Chuyên gia Đinh Đoàn cũng nói rằng, đây cũng là tín hiệu mừng, sau mỗi lần Việt Nam giành chiến thắng, mọi người lại cùng nhau tạo nên một bầu không khí náo nhiệt, thể hiện tình yêu đối với đá bóng. Hình ảnh phố phường Hà Nội tràn ngập sắc màu, giữa ngã tư một cổ động viên đứng trên nóc ô tô hôn lá cờ, khiến tinh thần dân tộc lên cao, hàng triệu trái tim cùng chung nhịp đập. Hình ảnh đó khiến mọi người đoàn kết hơn, vui vẻ hơn.

Đi bão phục vụ nhu cầu giải tỏa là chính
Mọi người vui vẻ, đoàn kết hơn sau mỗi chiến thắng của đội tuyển. Ảnh Internet

Tuy nhiên việc "đi bão" nhiều rất có thể làm mất đi ý nghĩa nội tại của nó. Dẫu biết tình yêu là thứ không thể đong đếm, thì người ta vẫn nên tiết chế, để dành niềm vui cho những dịp xứng đáng hơn, ví dụ thắng U23 Qatar hay Olympic Nhật Bản là kỳ tích, chứ thắng Malaysia ở vòng bảng, đâu có điều gì đáng ngạc nhiên mà phải “đi bão”.

Nhiều cổ động viên do quá phấn khích, ăn mừng bằng cách phản cảm như, cởi đồ, đốt xe, đập phá, ông Đinh Đoàn đưa ra lời khuyên: “Đừng vì quá vui mà nông nổi như vậy. Phấn khích quá để rồi không kiểm soát được những hành động của bản thân như vậy sẽ dễ gặp nhiều hệ lụy. Vui thôi, chứ đừng vui quá. Đừng để bản thân quá đà bất kỳ điều gì. Thay vào đó, có thể cổ vũ, ủng hộ đội tuyển bằng nhiều hành động thiết thực hơn.

Khi được hỏi về việc người hâm mộ "đi bão" mỗi khi Việt Nam giành chiến thắng đã trở thành thói quen, vậy có khi nào "hiện tượng" này không còn? Ông Đinh Đoàn cho rằng “Muốn người hâm mộ không "đi bão" nữa, thì chỉ còn cách là Việt Nam đừng thắng”, ông Đoàn hài hước.

Nguyễn Long
Theo Đời sống Plus/GĐVN