Đội hình của đội tuyển Yemen: Người lái taxi, người làm shipper
Bóng đá Yemen: Cây trường sinh trong bom đạn chiến tranh
Giống như nhiều quốc gia khác cùng khu vực, tình hình bất ổn và bạo lực vẫn luôn thường trực đối với cuộc sống của người Yemen. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, có tới 21 trong tổng số 27,5 triệu dân Yemen cần hỗ trợ nhân đạo. Nạn đói và dịch bệnh tràn lan, trong khi khắp nơi đều là đống đổ nát.
Tuy nhiên, bóng đá đã trở thành lối thoát cho người dân nơi đây ngay từ đầu những năm 1990, khi hai miền Bắc và Nam Yemen được thống nhất và lập nên một đội tuyển quốc gia đại diện cho đất nước này. Đội tuyển Yemen, bằng cách nào đó, vẫn tồn tại, tập luyện và tham dự vào các giải đấu quốc tế
Các CLB bóng đá phải đóng cửa vì không có tài chính để hoạt động. Cầu thủ phải kiếm nghề khác để sinh nhai hoặc những ai may mắn thì ra nước ngoài thi đấu. SVĐ nổi tiếng nhất ở Yemen chính là sân 22 tháng 5. Thế nhưng sau khi nội chiến nổ ra không lâu, sân này đã bị các lực lượng chống đối oanh kích biến thành một đống đổ nát.
Thay vì CĐV đến sân, là hình ảnh lực lượng quân sự trung thành với chính phủ vác súng AK chốt chặn SVĐ. Cứ nhìn hình ảnh sân bóng tan hoang, mới hay nội chiến ở quốc gia Tây Á này khủng khiếp như thế nào.
Để bảo vệ sân 22 tháng 5, gần 50 người trung thành với chính phủ đã ngã xuống. Thay vì là nơi tổ chức các trận đấu bóng đá, những sân bóng ở Yemen biến thành các pháo đài quân sự, nơi đóng quân và sau hàng loạt cuộc giao tranh ác liệt, không ai còn nhận ra các sân bóng hoành tráng ngày nào.
Cầu thủ người làm tài xế, người shipper
Mặc dù vật lộn trong công cuộc ghi dấu ấn lên bản đồ túc cầu của thế giới Yemen cuối cùng cũng đủ điều kiện để tham dự Asian Cup 2019, giải đấu lớn nhất dành cho đội tuyển quốc gia tại sân chơi châu lục.
Không có đài truyền hình nào của Yemen mua bản quyền phát sóng Asian Cup 2019, mặc dù đây là lần đầu tiên đất nước này góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất khu vực. Xem qua kênh BeIN Sports cũng là một lựa chọn nhưng mức phí 400 USD cao đến mức phi lý, nhất là trong điều kiện hiện nay.
Tình hình ở Yemen ngày càng tồi tệ hơn khiến công tác chuẩn bị cho giải đấu thực sự khó khăn. Ngoại trừ 11 cầu thủ may mắn chơi bóng ở nước ngoài, những người còn lại đã không chơi các trận đấu ở cấp độ CLB trong suốt 4 năm qua. Thay vào đó, họ phải bươn chải để kiếm sống.
Tiền vệ Fouad Al Omeisi thú nhận, chỉ chơi 3 trận đấu cạnh tranh trong năm 2018, đồng thời khoản tiền trợ cấp đi lại quá ít ỏi, không đủ cho những lần ghé thăm phòng gym để duy trì thể trạng. Một người khác kiếm được 6 USD mỗi ngày nhờ vào việc lái xe bus, qua đó có kinh phí để tự tập luyện.
"Tôi phải tính làm một cái gì đó khác để có tiền", Ammad Amr Talal, người từng tham gia chiến dịch vòng loại Asian Cup 2019 nói, khi đang tập ở bãi rác thải bụi cùng Al-Tilal, một trong những câu lạc bộ lớn nhất của Yemen, "Có lẽ tôi sẽ gia nhập quân đội".
Vào quân đội là một lựa chọn, nhưng rất rủi ro. Nhiều cầu thủ đã chết, trở thành một trong 6.800 nạn nhân của cuộc nội chiến ở Yemen. Những người khác có thể chạy taxi, nhân viên giao hàng hoặc làm việc ở siêu thị. Tuy vậy, nguy hiểm vẫn rình rập họ.
Hồi ở vòng loại, một cầu thủ đã bị nhóm cực đoan bắt cóc khi anh ta trên đường trở về nhà. May là anh ta đã được thả, khi chúng biết chẳng xơ múi được gì, sau hành trình dài 2 ngày qua những khu vực nóng bỏng nhất nước.
Xem thêm: Trận Iran gặp Yemen