Chủ nhật, 19/01/2025 | 16:22
RSS

Câu chuyện về em bé Vàng A Lý đi tìm con chữ lấy nước mắt khán giả

Thứ hai, 26/02/2018, 13:13 (GMT+7)

Câu chuyện về em bé Vàng A Lý - dân tộc La Chí ở thôn Thống Nhất, xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì, Hà Giang) gian nan đi tìm con chữ sẽ khiến bạn thấy cuộc sống này còn nhiều điều ý nghĩa để chúng ta tin vào.

Câu chuyện về em bé Vàng A Lý - dân tộc La Chí ở thôn Thống Nhất, xã Bản Phùng gian nan đi tìm con chữ, chinh phục con đường đến trường gần 4km với đồi núi hiểm trở, cheo leo, gập ghềnh là nốt lặng đầy cảm xúc trong chương trình Bốn mùa yêu thương: Xuân ấm bản Phùng phát sóng vào 20h30 mồng 6 tết trên kênh VTV2.

Không có đường nhựa sạch sẽ và khô ráo, mà những cung đường ngoằn ngoèo đều là thử thách nguy hiểm với cả người lớn, nhưng đó lại là hành trình tìm kiếm tri thức duy nhất của những đứa trẻ vùng cao, trong đó có A Lý. 

Câu chuyện về em bé Vàng A Lý lấy nước mắt khán giả
   Vàng A Lý tự mình đi bộ quãng đường dốc núi gần 4km

Em mới có 4 tuổi, nhưng suốt 2 năm qua, những con dốc vừa cao vừa nhỏ, trơn trượt đã trở nên quen thuộc, đôi dép đã mòn gót chân, tự đi học một mình mà không có cha mẹ đưa đón. Và A Lý không phải là trường hợp duy nhất một mình cuốc bộ đến trường, đồng hành với Lý là các em nhỏ đủ mọi lứa tuổi từ 2-5. 

Dẫu đã được nghe và kể nhiều lần về số phận những đứa trẻ gian nan trên hành trình đi tìm con chữ, nhưng khi nhìn những thước phim của ekip chương trình ghi lại những bước chân nhỏ thoăn thoắt đến trường, giữa cái lạnh tê tái của vùng núi cao, với những khuôn mặt lấm lem đất cát, những bàn chân tím tái đi vì gió rét, nhưng ánh mắt vẫn long lanh sự hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ, khiến người xem như lặng đi.

Bởi, thật khó có thể hình dung được khi trường học mầm non cho 1 cô và 25 trò cùng nhau học tập, nằm cheo leo trên 1 quả đồi cao,  giống như một ốc đảo khi đường xá ô-tô chưa thể vào đến nơi. Đích xác đó không gọi là trường học, mà là “chuồng trâu” thì đúng hơn, bởi  nó được dựng tạm bợ, sơ sài bằng tre, nứa, không có tường che chắn, quanh năm phải chịu cảnh mưa hắt, nắng rọi suốt bốn mùa.

Lời chia sẻ của cô giáo Hoàng Thị Cử “Các con ở đây thiếu thốn lắm, trường cũ xuống cấp, cô trò chúng tôi phải mượn hội trường thôn học tạm. Nhưng khi hễ có việc trong thôn thì đồng nghĩa với việc cả cô và trò đều phải nghỉ học”, khiến khán giả cảm thấy chua xót và không khỏi băn khoăn, lo lắng cho con đường phía trước của các em nhỏ. Ngay đến một điểm trường để ổn định chỗ học cũng đang là dấu chấm hỏi bỏ ngỏ. 


Chương trình Bốn mùa yêu thương cùng các mạnh thường quân trao quà tặng cho cô và trò trường mầm non thôn Thống Nhất

Và chính niềm khát khao, mong mỏi cùng ước mơ giản dị ấy của cô và trò thôn Thống Nhất đã thôi thúc ekip chương trình kêu gọi, vận động  xây điểm trường mới, để mang lại niềm vui mới cho cô và trò nơi đây.

Trong thời gian gấp rút chưa đầy 3 tuần, những người thực hiện chương trình đã nỗ lực hết mình để bắt tay hoàn thiện công trình trường mầm non vào đúng những ngày giáp tết, dưới sự hỗ trợ của các mạnh thường quân khác. 

Bất chấp những đoạn đường dốc ngược, gần 100 bà con dân tộc La chí đã bám đất gùi gạch, xi măng để cùng chung tay góp sức xây trường cho các con.

Có thể cảm nhận thấy dù mệt nhọc, nhưng trong mắt họ ánh lên niềm vui vì tới đây con cái họ sẽ được ở trong ngôi trường  khang trang, ấm cúng, vững tâm hơn trên hành trình theo đuổi cái chữ.

Ngày khánh thành trường học, có lẽ là giây phút được nhiều người mong đợi nhất. Những cảm xúc chân thực nhất được ghi lại một cách sinh động trên từng khuôn mặt, dáng hình của người dân nơi đây. 

Song món quà bất ngờ của chương trình không chỉ dừng ở đó, một điều khá thú vị khi điểm trường được hoàn thiện và khánh thành vào đúng những ngày giáp tết, ekip chương trình đã quyết định tổ chức một cái tết đặc biệt cho cô, trò và người dân nơi đây. 

Người xem không thể rời mắt khỏi những bàn tay bé xíu, rụt rè cầm lấy những chiếc kẹo, loay hoay không biết phải bóc như thế nào, phải cắm ống sữa ra sao vì chúng chưa bao giờ được ăn và uống những món đồ như thế. Những niềm vui thực giản dị, rất đỗi đời thường của các em nhỏ đã len lỏi vào trong từng mạch cảm xúc, chạm đến trái tim của người xem chương trình.

Câu chuyện về em bé Vàng A Lý lấy nước mắt khán giả 

Các em bé lần đầu tiên được uống sữa, ăn bánh, loay hoay tìm cách bóc

Có lẽ đây là lần đầu tiên người dân và cả trẻ nhỏ thôn Thống Nhất được đón một cái tết ấn tượng như thế này: có bánh kẹo, có đồ chơi, có áo mới… tất cả đã khoác lên bản Phùng một sắc xuân tươi tắn.

Chương trình khép lại như một cái kết đẹp cho 1 câu chuyện đầy tính nhân văn: Đây mới chỉ là sự bắt đầu. Hành trình phía trước còn rất dài, nhưng những gì chương trình gửi tới sẽ tiếp lửa và nối dài thêm những ước mơ của các em bé vùng cao được bay cao, bay xa hơn nữa.

Bảo An
Theo Đời sống Plus/GĐVN