Người lao động cần tìm những nơi uy tín để tìm việc làm. Ảnh: Thu Hằng.
Thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook, Zalo xuất hiện rầm rộ các bài đăng tuyển dụng tìm kiếm lao động thời vụ dịp cuối năm, với các công việc như: tuyển người bình luận sản phẩm, đánh máy đề cương… với mức lương từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày; cộng tác viên bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng lên đến 20%; cắt mác quần áo nhận tiền công liền tay; cộng tác viên vận đơn. Hình thức lừa đảo liên tục thay đổi khiến nhiều người chủ quan đồng ý tham gia.
Đối tượng chủ yếu bị nhắm đến là các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp cần tìm việc làm thêm. Không ít người với mong muốn tìm kiếm việc nhẹ lương cao, kiếm thêm thu nhập mà đã tin tưởng chuyển khoản đặt cọc cho bên tuyển dụng. Sau khi cọc tiền thì toàn bộ tin nhắn và số điện thoại của bên tuyển dụng hoàn toàn “bốc hơi”.
Như trường hợp của anh N.V.Đ (Hà Nội), vì muốn có thêm thu nhập trước Tết đã tin tưởng vào quảng cáo về một công ty chuyên cung cấp dịch vụ đặt vé máy bay và phòng khách sạn trực tuyến, chuyển cho đối tượng lừa đảo số tiền hơn 32 triệu đồng.
Theo đó, đối tượng dùng nhiều số điện thoại, tài khoản mạng xã hội đánh vào ham muốn nhanh kiếm được tiền của nạn nhân. Trong quá trình lừa đảo, các đối tượng liên tục dồn ép nạn nhân khiến anh bị ảnh hưởng tâm lý, rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và sợ rằng sẽ không lấy lại được số tiền buộc anh phải tiếp tục chuyển tiền trong vòng 1 ngày.
Khi số tiền nạp lên đến hàng chục triệu đồng, đối tượng lừa đảo đã nêu rất nhiều lý do như: tài khoản bị đóng băng; hệ thống lỗi... để trì hoãn việc rút tiền. Từ đó chiếm đoạt tài sản của anh Đ.
Theo các chuyên gia, đây là chiêu thức quen thuộc của những kẻ lừa đảo trong thời gian gần đây. Nguy hiểm hơn, chúng có thể lôi kéo ứng viên làm những công việc thanh toán các đơn hàng ảo hay biến tướng đa cấp thậm chí là vi phạm pháp luật Chưa kể, việc làm thêm không có hợp đồng lao động, mọi giao dịch đều thông qua mạng xã hội cũng khiến người tìm việc trở thành những nạn nhân đáng thương.
Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ TTTT) đưa ra cảnh báo về hình thức lừa đảo việc làm trực tuyến vào dịp Tết. Theo các chuyên gia của Cục An toàn thông tin, hình thức lừa đảo không mới, thực chất là biến tướng của chiêu trò tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến, chốt đơn hàng online trước đây. Những kẻ lừa đảo đã liên tục thay đổi về hình thức khiến nhiều người bị mắc bẫy. Đối tượng tuyển dụng chủ yếu là học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình - thấp đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm dịp tết.
"Người dân, nhất là các bạn trẻ không nên chủ quan khi gặp các trường hợp và hành vi không minh bạch trên mạng xã hội. Tuyệt đối không làm theo yêu cầu tạm ứng trước tiền; không nên quá tin tưởng vào những đề nghị quá hấp dẫn và những công việc dễ dàng, không quan trọng trình độ hay kỹ năng và các khoản hoa hồng chiết khấu cao. Đặc biệt lưu ý, không được cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào", đại diện Cục An toàn thông tin khuyến cáo.
Để chủ động phòng ngừa tội phạm, lực lượng công an đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi tìm việc làm, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trước những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, người dân cần hết sức cẩn trọng khi tìm việc làm, nhất là trong dịp Tết cận kề để tránh sập bẫy lừa đảo. Khi vào website tìm việc, mọi người nên chú ý đến phần mô tả công việc phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể mức lương, công việc, địa chỉ công ty, năm thành lập. Về mặt nội dung, khi đọc một quảng cáo mô tả công việc phải có đầy đủ nhiệm vụ, quyền lợi của nhân viên, nên xem những yêu cầu công việc có phù hợp với vị trí công việc đó không, rồi tìm kiếm công ty đó trên nhiều trang thông tin khác.
Bà Đoàn Thị Tường Vy, Giám đốc điều hành nền tảng kết nối việc làm thời vụ Jod Việt Nam khuyến cáo, để hạn chế gặp tình trạng lừa đảo việc làm thời vụ dịp Tết, người lao động nên tìm việc qua các kênh uy tín, chẳng hạn như từ các trung tâm kết nối việc làm. So sánh, kiểm tra thông tin của công ty cần trọng, nhất là thông tin email, website doanh nghiệp. Ngoài ra, người lao động có thể lên mạng tham khảo đánh giá về công ty định ứng tuyển.