Thứ năm, 12/09/2024 | 22:35
RSS

Cẩn trọng với hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ Sakana”

Thứ hai, 16/05/2022, 09:45 (GMT+7)

Dự án còn hoang sơ, nhiều lần bị báo chí “bêu tên” nhưng những gói “sở hữu kỳ nghỉ” tại khu nghỉ dưỡng Sakana vẫn được chào bán rầm rộ...

Bánh vẽ kỳ nghỉ

Bằng cách mời các gia đình tham gia hội thảo về giải pháp kỳ nghỉ, các nhân viên của Công ty cổ phần du lịch quốc tế 3R (công ty 3R) đã chào bán tấm thẻ “sở hữu kỳ nghỉ Sakana” trị giá hàng trăm triệu đồng.

Trong vai một khách hàng, PV được nhân viên của công ty 3R mời đến dự hội thảo tại tầng 2B, tòa Capital Building (ngõ 36 Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội) vào một buổi chiều cuối tháng 4/2022. Hàng chục người khác cũng có mặt tại đây để tham dự hội thảo này.

Suốt 3 tiếng đồng hồ tại đây, nhân viên công ty 3R đã vẽ lên một khu nghỉ dưỡng Sakana 5 sao đẳng cấp như: gắn liền với thiên nhiên, tiện ích cao cấp, có các loại biệt thự, có bể bơi riêng, khu vui chơi 5 sao…, lồng ghép vào đó là những thông tin về tấm thẻ “sở hữu kỳ nghỉ Sakana” và những tiện ích khi sở hữu tấm thẻ này.

Theo lý giải của nhân viên tư vấn, với việc ký kết hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ Sakana”, khách hàng sẽ có một tấm thẻ sử dụng phòng nghỉ tại khu nghỉ dưỡng Sakana, thời gian sử dụng là 10 năm hoặc 25 năm, mỗi năm sẽ được nghỉ 7 đêm.

Năm 2019, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn nhiều lần khẳng định với báo chí "không hề có khu nghỉ dưỡng Sakana". Ảnh Internet.

Về dự án Sakana, người này cho biết, khu nghỉ dưỡng Sakana sẽ có quỹ căn bất động sản và quỹ căn để làm khu du lịch nghỉ dưỡng. Thời điểm hiện tại chủ đầu tư đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật và các quỹ nhà như khu nhà tổ chim, nhà nón, chỉ chờ hoàn thiện dịch vụ và chờ ngày khai trương.

Và để khách hàng tin tưởng hơn, nhân viên này còn tiết lộ một thông tin bất ngờ là chủ đầu tư hiện đã bán hết quỹ căn bất động sản. “Sau khi xây dựng xong hạ tầng, khách hàng có thể mua với giá tốt, nên những căn siêu biệt thự, nhà tổ chim hiện đã hết sạch rồi”, nhân viên tư vấn nói.

Cùng với màn vẽ vời những viễn cảnh xa hoa đẳng cấp, nhân viên tư vấn tiếp tục dụ khách bằng những lợi ích kinh tế. Theo đó, khi sở hữu tấm thẻ, nếu khách hàng không sử dụng hết 7 đêm trong kỳ nghỉ thì có thể ủy quyền cho chủ đầu tư đứng ra cho thuê. Với những đêm cao điểm, mức giá được đưa ra là 8 triệu đồng mỗi đêm và khách sẽ nhận về 80% số tiền cho thuê.

Ngoài ra, hằng năm khách hàng còn có thể trao đổi kỳ nghỉ trong nước và quốc tế với mức chi phí không thể hấp dẫn hơn, chỉ từ 6,7 triệu cho kỳ nghỉ khu vực Đông Nam Á, và 9 triệu cho kỳ nghỉ tại Âu Mỹ.

Sự thật về khu nghỉ dưỡng Sakana

Sau quá trình tư vấn, thấy khách hàng hứng thú với gói sở hữu kỳ nghỉ, nhân viên này đã mời một người tên Văn, người tự giới thiệu là Trưởng phòng bán hàng để tiếp tục tư vấn về chi phí tài chính. Theo ông Văn, để có được tấm thẻ “sở hữu kỳ nghỉ Sakana”, khách hàng sẽ phải bỏ ra số tiền 160 triệu đồng cho gói 10 năm, gói 25 năm sẽ có mức giá cao hơn.

“Thẻ này bên mình đã bán gần một năm nay, hiện tại thì các tháng 5, 6, 7 đã hết, mình có chọn thì chọn được tháng 4 hoặc tháng 8, hoặc mùa đông, mùa xuân”, ông Văn nói và cho biết, nếu mua luôn trong ngày thì sẽ được giảm 15% trừ thẳng vào giá, khách hàng chỉ phải trả 137 triệu, và còn được nghỉ dưỡng 8 ngày 7 đêm tại một khu nghỉ dưỡng khác của chủ đầu tư.

Để thúc giục khách hàng xuống tiền, ông Văn tiếp tục đưa ra một phương thức tài chính linh hoạt cùng những ưu đãi hấp dẫn: Mình chỉ cần thành toán 30% giá trị hợp đồng, 70% còn lại có thể trả góp 24 tháng. “Đây là chính sách dành cho khách hàng ký hợp đồng được trong ngày hôm nay, nếu để hôm sau thì sẽ quay trở về giá gốc 160 triệu, đây là chi phí cơ hội của mình”, ông Văn khẳng định.

Mặc dù bản hợp đồng với nhiều điều khoản, nhiều quy định mang tính ràng buộc pháp lý giữa khách hàng và chủ đầu tư, nhưng khi đề xuất công ty đưa cho khách hàng bản hợp đồng để mang về nghiên cứu trước khi ký kết, thì ông Văn từ chối với lý do sợ lộ thông tin.

Theo tìm hiểu của PV, khu nghỉ dưỡng Sakana mà những nhân viên môi giới của công ty 3R đang “tô vẽ” chính là Dự án khu nghỉ dưỡng hồ Dụ, do công ty cổ phần phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô làm chủ đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ tháng 8/2019, tiến độ xây dựng từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2024.


Một góc của Hồ Dụ còn khá hoang sơ, bóng dáng khu nghỉ dưỡng 5 sao vẫn chưa xuất hiện.

Tuy nhiên, từ khi bắt đầu triển khai, dự án này đã liên tục bị “bêu tên” trên mặt báo do những vấn đề như “xẻ đồi, bạt rừng” khi chưa được phê duyệt đánh giá tác động môi trường, huy động vốn, rao bán tràn lan…

Thời điểm hiện tại, theo ghi nhận, dự án đang triển khai một số hạng mục như hạ tầng, đường giao thông và lác đác một vài công trình xây dựng. Theo một văn bản của sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình, tính đến ngày 13/1/2022, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Dụ chưa đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh bất động sản.

(Còn nữa).

Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), đối với loại hình bên bán đầu tư xây dựng dự án nghỉ dưỡng để cung cấp dịch vụ, việc đi nghỉ trên thực tế chỉ diễn ra khi bên bán hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động chính thức. Tức là tại thời điểm ký kết hợp đồng, có thể các căn hộ/ khách sạn...để nghỉ còn chưa có. Người mua sản phẩm cần nhận thức rõ các rủi ro này để từ đó có thể dự liệu và phòng ngừa.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu trước và kỹ lưỡng hợp đồng là một trong những vấn đề then chốt để khách hàng chủ động phòng tránh các trường hợp không mong muốn. Không chỉ dừng lại ở việc dịch vụ được cung cấp không đúng cái người mua “tưởng”, các giao dịch bằng hợp đồng soạn sẵn còn tồn tại rủi ro từ các điều khoản bảo vệ lợi ích đơn phương cho bên soạn thảo.

Do đó, cơ quan này khuyến cáo người tiêu dùng cần xác định trước những vấn đề cần quan tâm về lợi ích và rủi ro, tránh việc rơi vào luồng thông tin một chiều do bên cung cấp dịch vụ đưa ra. Đồng thời cần tỉnh táo trước những lợi ích hấp dẫn được chào mời để đặt cọc hoặc ký bất kỳ tài liệu nào do doanh nghiệp đưa ra bởi khả năng được hoàn trả là rất thấp.

Bùi Gia
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại