Năm 2015, Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc đề xuất được làm dự án Đường Song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (từ đường Mai Chí Thọ quận 2 qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành đai 2). Công trình được thực hiện theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng).
Về quy mô, dự án gồm 2 đoạn đường song hành bên phải tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có tổng chiều dài gần 3,4 km, rộng 20 m, đáp ứng 4 làn xe, xây dựng 3 cầu mới. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành trong 2 năm kể từ ngày khởi công.
Sau khi có ý kiến của các bộ, ngành và Chính phủ, ngày 10/10/2016, ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ký Quyết định số 5285/QĐ-UBND về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nói trên đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Rạch Chiếc theo Điều 26 Luật Đấu thầu (lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt).
Nhưng sau đó, vào ngày 28/4/2017, UBND TP.HCM ký hợp đồng BT không chỉ với Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc mà còn cả với Công ty Cổ phần bất động sản Tiến Phước theo hình thức liên danh chủ đầu tư.
Vào ngày 29/4/2017, Liên danh Công ty TNHHH Nam Rạch Chiếc và Công ty Cổ phần BĐS Tiến Phước đã khởi công xây dựng dự án.
Dù xuất hiện nhận hơn 14,8 ha đất tại phường An Phú, quận 2 giao cho Liên danh thực hiện dự án BT kể trên nhưng Công ty TNHH BĐS Nguyên Phương không hề có tên trong đơn vị chủ đầu tư.
Để thanh toán hợp đồng BT dự án nói trên, UBND thành phố chấp thuận bàn giao cho Liên danh chủ đầu tư khu đất hơn 14,8 ha tại phường An Phú, quận 2. Trong đó, đất ở, đất thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn là 8,8ha, còn lại là đất công trình nội khu, công cộng.
Lúc này, Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương bất ngờ xuất hiện và đứng ra thay mặt Liên danh chủ đầu tư nhận hơn 14,8 ha tại phường An Phú, quận 2 từ UBND thành phố.
Tại sao Công ty Cổ phần BĐS Tiến Phước và Công ty TNHH BĐS Nguyên Phương lại bất ngờ xuất hiện và được chấp nhận tham gia tại dự án BT kể trên?
Theo một số chuyên gia, nếu tính theo Quyết định số 51/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND TP. HCM ban hành giá đất trên địa bàn áp dụng từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2019 thì giá đất ở khu vực phường An Phú, quận 2 có mức từ 5,2 triệu đồng - 21 triệu đồng/m2.
Hiện mặt đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đa số chỉ là đường đất, thi công nham nhở đất đá.
Với 14,8 ha đất thanh toán giá trị hợp đồng BT, chỉ tính trung bình giá đất phường An Phú là 13 triệu đồng/m2 sẽ có giá trị hơn 1.900 tỷ đồng. Cao hơn lên đến 1.100 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư dự án đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Còn theo định giá của công ty định giá đất Gachvang.com, khu vực phường An Phú, quận 2 có giá từ 106 triệu đồng/m2. Thì khu đất 14,8 ha được định giá lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
2 trong số 3 cây cầu trên tuyến đường này đã dừng thi công từ lâu, sắt thép xỉn màu hoen gỉ.
Ngoài ra, theo Quyết định 706/QĐ/BXD/2017 của Bộ Xây dựng công bố suất vốn đầu tư xây dựng các công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2016, suất đầu tư được chia làm nhiều loại.
Theo đó, suất vốn đầu tư đắt nhất cho đường cấp I khu vực đồng bằng (nền đường rộng 32,5 m, mặt đường rộng 22,5 m, dải phân cách giữa rộng 3 m, lề rộng 2 x 3,5 m, trong đó lề gia cố rộng 2x3 m đồng nhất kết cấu áo đường, mặt đường gồm 2 lớp bê tông nhựa dày 12 cm trên lớp móng cấp phối đá dăm) có giá là 59,4 tỷ đồng cho mỗi km.
Dù sắp hết thời gian dự kiến hoàn thành nhưng nhiều hạng mục không có dấu hiệu xây dựng, chưa hẹn ngày khánh thành. Tình trạng công trình ngưng trệ đã gây ảnh hưởng đến rất nhiều cuộc sống của người dân quanh khu vực.
Như vậy, rõ ràng ở đây doanh nghiệp đang được nhận tổng mức đồng tư lên cao, đất đổi lại cũng được định giá thấp, ăn cả 2 đầu xây dựng - chuyển giao. Việc này khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ đây là con đường “dát vàng” mới tại TP.HCM (?!). Và ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thiệt hại ngân sách Nhà nước?
Đời Sống Plus sẽ tiếp tục thông tin.