Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:23
RSS

Cải tiến ''Tiếng Việt'' thành ''Tiếq Việt'', PGS. TS Bùi Hiền: Công trình của tôi vẫn còn một nửa nữa

Thứ bảy, 02/12/2017, 15:30 (GMT+7)

PGS. TS Bùi Hiền cho biết: ''Công trình của tôi vẫn còn một nửa nữa, phần nguyên âm tôi chưa đưa ra nên tôi sẽ vẫn tiếp tục nghiên cứu và dự kiến sẽ trình làng giới khoa học vào tháng 3 năm sau”.

Ngày 1/12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ và Bộ GD&ĐT chưa có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ. Bộ GD&ĐT cũng sẽ không sử dụng đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội - đưa ra vào tháng 9 vừa qua tại hội thảo "Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và Phát triển".

cải tiến chữ quốc ngữ
Một ví dụ về cải tiến chữ viết theo đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền. Ảnh: Lao Động

Theo VTV, đây là khẳng định của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 1/12. Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trước đây, một số nhà khoa học đề xuất cải tiến tiếng Việt. Tuy nhiên, việc này là không thể vì rất tốn kém, trong khi không có tác động lớn.

Sáng 2/12, trả lời Người Đưa Tin, PGS. TS Bùi Hiền, tác giả của công trình nghiên cứu cải cách Tiếng Việt cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ tuyên bố của Chính phủ và bộ GD&ĐT. Nghiên cứu này của tôi hoàn toàn mới chỉ nằm ở bên lề một hội thảo khoa học, tôi chưa trình bộ GD&ĐT nên Bộ chưa có chủ trương là đúng”.

cải tiến chữ quốc ngữ
PGS. TS Bùi Hiền. Ảnh: Soha

“Nghiên cứu của tôi chưa xong, giới khoa học còn chưa có ý kiến. Chính phủ lên tiếng như vậy là kịp thời để tránh những hiểu lầm”, ông nói.

Ngoài ra, PGS. TS Bùi Hiền khẳng định: “Tôi không làm việc theo đơn đặt hàng của Bộ. Vì thế, tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu dưới phương diện cá nhân. Tôi đã thấy nghiên cứu của mình đã có kết quả, nhiều nhóm trẻ đã sử dụng ngôn ngữ của tôi, nhiều phần mềm cũng đã được sinh ra. Công trình của tôi vẫn còn một nửa nữa, phần nguyên âm tôi chưa đưa ra nên tôi sẽ vẫn tiếp tục nghiên cứu và dự kiến sẽ trình làng giới khoa học vào tháng 3 năm sau”.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN