Báo động tình trạng đuối nước vào mùa hè
Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCm cho thấy gần như ngày nào cũng có tẻ phải nhập viện cấp cứu vì tai nạn với đủ các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Thời điểm bước sang mùa hè, trẻ nhập viên do đuối nước tăng cao.
Riêng những tai nạn đuối nước, chính sự chủ quan của phụ huynh khi để các vật dụng chứa nước như xô, chậu trong nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà bếp, vô tình trở thành cái bẫy đối với trẻ. Mặt khác, tai nạn đuối nước ở trẻ khi đi tắm sông - suối - ao - hồ; tai nạn do té từ cây cao, bị ong chích; bỏng lửa, bỏng nước sôi... cũng rất phổ biến vào mùa nắng nóng đặc biệt là thời điểm trẻ nghỉ hè.
Mùa hè là thời điểm gia tăng tai nạn đuối nước
Theo các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên lưu tâm sắp xếp các vật dụng trong gia đình từ dụng cụ chứa nước đến dụng cụ nhà bếp, phòng khách, phòng ngủ... để tránh gây tai nạn cho con trẻ, thường xuyên để mắt đến con em mình. Từng bước dạy cho trẻ kỹ năng sống để tránh những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
Mỗi phụ huynh cần tìm hiểu, học tập, trang bị cho mình những kiến thức sơ cấp cứu ban đầu đối với các tai nạn thường gặp. Những giải pháp đơn giản như nhấn tim, hà hơi thổi ngạt, vỗ lưng, ấn ngực... sẽ là “vũ khí” tận dụng thời gian vàng (3 đến 5 phút sau tai nạn) cứu con trẻ thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” trước khi cần sự hỗ trợ chuyên môn sâu từ y bác sĩ.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết đa số trẻ bị ngạt nước nếu ngưng tim ngưng thở quá 4 phút sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến não. Nếu tình trạng ngưng thở quá 10 phút, nạn nhân hầu như vô phương cứu chữa, khó tránh nguy cơ tử vong.
Một số trường hợp có thể giữ được mạng sống nhưng để lại di chứng nặng nề, phải sống đời sống thực vật. Trong khi đó ngạt nước do ngã chúi đầu vào xô, lu đựng nước, chậu nước, hòn non bộ, là tai nạn rất thường gặp cho trẻ nhỏ.
"Phát hiện và sơ cấp cứu cho trẻ bằng cách nhồi tim, hà hơi thổi ngạt trong thời gian vàng 4 phút đầu là cực kỳ quan trọng vì sẽ giúp cung cấp máu và oxy lên não kịp thời", bác sĩ Phương khuyến cáo.
Theo lời khuyên của các bác sĩ, khi con trẻ gặp nạn đuối nước, sau khi sơ cứu ban đầu và gọi cấp cứu 115, trên đường đưa trẻ đến cơ sở y tế cần tiếp tục ấn tim hà hơi thổi ngạt liên tục không được gián đoạn. Rất nhiều trẻ đến viện vẫn không thể qua khỏi vì không được sơ cứu đúng cách ngay khi xảy ra tai nạn.
Thời điểm vàng và nguyên tắc cấp cứu khi bị đuối nước
Đuối nước là một dạng của ngạt, do nước bị hít vào phổi, hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Đây là một tai nạn hay gặp, xảy ra trong khi bơi, đi thuyền và trong các hoạt động dưới nước. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra tại nhà như trong bồn nước, chum vại, rãnh nước,...
Khi bị ngạt nước, nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại do phản xạ. Tình trạng ngừng thở tiếp tục dẫn đến thiếu ôxy máu, gây tăng nhịp tim, huyết áp. Nếu ngừng thở tiếp tục kéo dài trong khoảng từ 20 giây đến 2 - 5 phút (tùy thuộc từng nạn nhân) thì đạt đến ngưỡng và nhịp thở lại xuất hiện khiến cho nước bị hít vào gây co thắt thanh quản tức thì, xuất hiện cơn ngừng thở lần 2, sau đó là các nhịp thở bắt buộc khiến cho nước, dị vật bị hít vào phổi. Hậu quả là nhịp tim chậm dần lại, rối loạn nhịp, ngừng tim và tử vong.
Nắm rõ các thao tác sơ cứu nạn nhân khi bị đuối nước
Để cứu sống nạn nhân ngạt nước phải ngăn chặn kịp thời các tiến trình trên, tốt nhất là ngay từ khi có cơn ngừng thở đầu tiên tức là trong vòng 1- 4 phút đầu tiên khi bị chìm trong nước, đồng thời xử lý tốt các chấn thương kèm theo (đặc biệt là chấn thương đầu cổ và cột sống).
Bước 1: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.
Bước 2: Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.
Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.
Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.
Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim trẻ đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở ½ dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa trẻ đi viện.
Nếu trẻ còn tự thở, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.
Những sai lầm tuyệt đối không được làm
Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì thứ nhất, nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Thứ 2 là khi ngạt nước thực ra nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.
Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống. Điều này là do thiếu ôxy ở các tổ chức trong một thời gian dài, đặc biệt là não.
Cách trị rôm sảy cho bé bằng các bài thuốc dân gian