Thứ bảy, 18/01/2025 | 08:17
RSS

Cách chức Phó Bí thư huyện dùng bằng giả để thăng tiến

Thứ hai, 29/06/2020, 14:19 (GMT+7)

Ông Bùi Quốc Minh - Phó Bí thư thường trực huyện Phú Riềng (Bình Phước) đã sử dụng bằng giả để đi xin việc, từ đó được bầu vào các chức danh chủ chốt ở huyện.

UB Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước vừa có quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, cách chức vụ đối với ông Bùi Quốc Minh - Phó Bí thư thường trực huyện Phú Riềng do có hành vi sử dụng bằng giả để đi xin việc, từ đó được bầu vào các chức danh chủ chốt ở huyện.

Theo tài liệu PV Tiền Phong thu thập, cuối năm 2019 sau khi nhận được đơn tố cáo, UBKT Tỉnh ủy Bình Phước xét thấy có cơ sở cần phải xác minh nên tiến hành vào cuộc kiểm tra. Quá trình làm việc của tổ công tác đã phát hiện vụ việc ông Bùi Quốc Minh – Phó Bí thư Thường trực huyện Phú Riềng sử dụng bằng giả để đi xin việc là đúng như đơn tố cáo nêu.

Từ kết quả kiểm tra, căn cứ quy định về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm, UBKT Tỉnh ủy Bình Phước đã thi hành kỷ luật ông Bùi Quốc Minh bằng hình thức cảnh cáo theo quyết định số 115-QĐ/UBKTTU.

VIetnamnet cho hay, theo kết quả xác minh, năm 1992, ông Minh mượn bằng tốt nghiệp đại học của một người bạn rồi đem đi photocopy, sửa lại thành tên của mình, sau đó dùng bản photocopy này đi xin việc tại một số cơ quan.

Cách chức Phó Bí thư huyện dùng bằng giả để thăng tiến
Chân dung ông Minh. Ảnh: Vietnamnet

Trong quá trình làm việc tại các cơ quan nhà nước, ông Minh được điều chuyển công tác qua nhiều đơn vị khác nhau. Năm 2006, khi cơ quan yêu cầu bổ sung hồ sơ cán bộ công chức thì ông này nộp bản photo bằng đại học giả trước đó.

Đến năm 2007, ông Minh bổ sung một bằng đại học hệ tại chức của trường Đại học Kinh tế TP.HCM vào hồ sơ công chức, thay thế cho bản photo giả đã nộp trước đó để ứng cử đại biểu HĐND huyện Phú Riềng nhiệm kỳ 2016-2021.

Tổ công tác của UBNKT Tỉnh ủy Bình Phước đã đến làm việc với trường ĐH Kinh tế TPHCM thì được biết ông Minh có tham gia khóa học năm 2014-2018 và đến tháng 12/2019 mới hoàn thành khóa học và nhận bằng. Thế nhưng, trước đó dù chưa có bằng nhưng vào năm 2017 ông Minh vẫn kê khai trình độ chuyên môn là ĐH Kinh tế TPHCM để ứng cử đại biểu HĐND huyện Phú Riềng nhiệm kỳ 2016-2021. 

Do có hành vi vi phạm trên, ông Minh đã bị cách chức vụ Phó Bí thư thường trực huyện ủy Phú Riềng nhiệm kỳ 2016 - 2021, điều động về làm cán bộ bình thường tại Ban tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước.

Mới đây, Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ, bao gồm: Bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THTP, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học (bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ), và các loại chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là quy chế mới vừa có tính hợp nhất, vừa có tính thay thế cho các quy chế hiện hành (trong đó có một quy chế được ban hành từ năm 2007 và sửa đổi năm 2012, một quy chế được ban hành năm 2015).

Quy chế mới đưa ra 4 nguyên tắc trong quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ, gồm: Nguyên tắc quản lý thống nhất, đồng thời thực hiện phân cấp cho các sở G&-ĐT và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo giáo viên, giáo dục đại học; văn bằng chứng chỉ chỉ được cấp một lần (trừ trường hợp bị ghi sai nội dung); nghiêm cấm mọi hành vi gian lận; bảo đảm công khai, minh bạch trong cấp phát văn bằng, chứng chỉ.

Theo nguyên tắc thống nhất quản lý và phân cấp, giao quyền tự chủ về văn bằng, chứng chỉ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng giáo dục đại học; quy định mẫu bằng tốt nghiệp THCS, THPT, tốt nghiệp các ngành/trường đào tạo giáo viên, mẫu chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân; quy định nguyên tắc in phôi, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ.

Các cấp sở, phòng Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ, quản lý việc sử dụng phôi bằng, chứng chỉ theo phạm vi được phân cấp; các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ.

Trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ được phân cấp cụ thể như sau: Bằng tốt nghiệp THCS do trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp; bằng tốt nghiệp THPT do giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo cấp; bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm do người đứng đầu cơ sở đào tạo giáo viên hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học có ngành đào tạo giáo viên cấp; văn bằng giáo dục đại học do giám đốc đại học, hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện, viện trưởng viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo và cấp văn bằng ở trình độ tương ứng cấp (giám đốc đại học cấp văn bằng giáo dục đại học cho người học của các đơn vị đào tạo, nghiên cứu trực thuộc chứ không phải cho người học ở các trường đại học thành viên); giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng cơ sở giáo dục cấp chứng chỉ cho người học theo quy định.

Qui chế này có hiệu lực từ ngày 15.1.2020.

 

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN