Thứ năm, 10/10/2024 | 06:51
RSS

Cách chữa ho, trừ đờm đơn giản, nhanh chóng từ quả nhót

Thứ hai, 08/05/2017, 07:07 (GMT+7)

Nhót không chỉ là quả dùng làm quà vặt mà còn có thể dùng để làm các bài thuốc chữa các chứng bệnh thường gặp.

Nhót được trồng ở khắp các vùng miền trong cả nước. Lá nhót chứa tanin, saponosid, polyphenol. Quả nhót chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, được dùng để nấu canh chua, vị thơm; quả nhót xanh, thái ngang dày 3 - 5mm, phơi hoặc sấy khô để làm thuốc. Ngoài quả, lá, nhân hạt, rễ của cây nhót cũng có tác dụng chữa bệnh.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa - phòng khám Đông y Tuệ Lãng cho biết: "Nhót có thể xem là một vị thuốc dân gian hữu dụng và dễ tìm. Quả hình bầu dục, thịt quả màu đỏ và phần hạch cứng bên trong đều có thể dùng làm thuốc. Phần thịt quả khi chín có vị chua và hơi chát nhưng tính bình, khi ăn vào có thể tác động đến phần phế và đại tràng của con người. Do vậy, quả nhót có thể dùng để trị các bệnh như ho hen, kiết lỵ, tiêu chảy..."

Nhót là vị thuốc chữa bệnh rất tốt

Bài thuốc đơn giản nhất có dùng đến vị quả nhót là để trị ho. Lương y Nghĩa nói: "Dùng 8 - 10 quả nhót mỗi ngày, có thể sắc uống, hãm nước nóng hay phơi khô tán bột. Nhưng muốn tăng hiệu quả hơn thì có thể sắc chung với trần bì, quất rồi uống chia uống 3 lần mỗi ngày, không chỉ trị ho mà còn giúp trừ đờm". 

Ngoài ra, để chữa bệnh hen suyễn, có thể dùng 30g lá nhót khô sao vàng, tán mịn sau đó hòa vào nước chắt cơm để uống; hoặc thái nhỏ lá rồi sắc lên uống.

Nói thêm về cách sử dụng quả nhót khi làm thuốc, lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho hay: "Trị chứng kiết lỵ thì dùng rễ nhót 40g, rễ mơ 20g sắc uống, hoặc cũng có thể chỉ cần sắc 5 đến 8 quả nhót phơi khô để uống, dùng liên tục 10 ngày. Khi uống phải tránh đồ ăn tanh, lạnh.

Còn để cầm tiêu chảy thì có thể dùng 30g quả nhót phơi khô sao cho chín vàng rồi chưng cách thủy, có thể sao chung với 30g quả sơn trà để tăng hiệu quả".

Bài thuốc áp dụng được cho trẻ nhỏ từ 1 tuổi trở lên.

Chú ý: Lá và rễ nhót không dùng cho phụ nữ có thai.

Khi sử dụng nhót, cần tránh nhầm lẫn với vị thuốc nhót tây, còn gọi nhót Nhật Bản hay tỳ bà diệp. Nhót tây mọc hoang và được trồng ở nhiều ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội .. Nhót tây cao tới 6 - 8m. Lá mọc so le, hình mác, có răng cưa, dài 12 - 30cm, rộng 3 - 8cm, phía mặt dưới của lá có rất nhiều lông màu xám hay vàng nhạt. Đây là đặc điểm nổi bật để phân biệt với nhót. Lá nhót tây cũng được sử dụng để trị ho, hen.

Cách chữa nghẹt mũi khỏi ngay tại nhà

Bình An (T/H)
Theo Đời sống Plus