Thứ bảy, 20/04/2024 | 10:03
RSS

Cà Mau: Mục tiêu xuất khẩu 2,5 tỉ USD, người nuôi tôm sẽ thực sự đổi đời?

Thứ sáu, 07/09/2018, 10:30 (GMT+7)

Với diện tích nuôi 280 nghìn héc-ta, Cà Mau đang là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, để đạt kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỉ USD vào năm 2025 thì nghề nuôi tôm ở Cà Mau cần vượt qua nhiều rào cản.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau đã trao đổi với PV về những trở ngại và giải pháp khắc phục để nghề nuôi tôm ở tỉnh này đạt hiệu quả tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng.

Cà Mau: Mục tiêu xuất khẩu 2,5 tỉ USD, người nuôi tôm sẽ thực sự đổi đời?
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau đã trao đổi với PV về những trở ngại và giải pháp khắc phục để nghề nuôi tôm.

Thưa ông, nghề nuôi tôm đã gắn bó với người dân Cà Mau từ nhiều năm, nhưng đến nay thì đời sống người nuôi tôm vẫn còn nhiều khó khăn, ông nhìn nhận việc này như thế nào?

Ngành tôm ở Cà Mau là ngành có thế mạnh đặc biệt, là ngành kinh tế trọng điểm. Cà Mau diện tích trên 500 nghìn héc-ta, diện tích sản xuất là 400 nghìn héc-ta nhưng diện tích dành cho nuôi tôm đã là 280 nghìn héc-ta. Lao động của ngành tôm là 150 nghìn hộ dân, chiếm tỉ lệ áp đảo so với các ngành nghề khác.

Những năm qua, tỉnh Cà Mau đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển ngành tôm, tuy nhiên kết quả thì chưa có nhiều đột phá để tương xứng với tiềm năng. Các loại hình nuôi tôm chưa thực sự cải thiện về năng suất. Tôm nuôi quảng canh truyền thống, tôm sinh thái tuy vẫn tăng nhưng chưa đạt như kỳ vọng.

Cà Mau: Mục tiêu xuất khẩu 2,5 tỉ USD, người nuôi tôm sẽ thực sự đổi đời?
Nuôi tôm quảng canh truyền thống, tôm sinh thái tuy vẫn tăng nhưng chưa đạt như kỳ vọng.

Thêm nữa, điều kiện về môi trường ngày càng xấu đi, tác động bất lợi. Các yếu tố đầu vào như con giống, vật tư, thức ăn giá cả tăng, chất lượng không ổn định, khó quản lý… Đây chính là rào cản khiến ngành tôm Cà Mau chưa phát triển như mong muốn, đời sống người nuôi tôm còn gặp nhiều khó khăn dù các ngành, địa phương đã rất nỗ lực.

Vài năm gần đây, nhiều hộ nuôi tôm đã chuyển hướng sang nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm theo công nghệ mới, đây có phải là hướng đi bền vững?

Theo thống kê thì hiện tại trên toàn tỉnh đã chuyển dịch 1.800ha từ nuôi tôm quảng canh sang siêu thâm canh, nuôi theo công nghệ mới. Con số này tăng đều sau mỗi vụ. 

Mỗi cách nuôi có những lợi thế, khó khăn riêng. Nuôi siêu thâm canh cho năng suất rất cao nhưng đòi hỏi hạ tầng tốt như điện, hệ thống thủy lợi và quan trọng là người nuôi phải có kỹ thuật cao. Nuôi tôm siêu thâm canh tỷ lệ thành công cao, khoảng 85 - 90%, một héc-ta có thể cho sản lượng 25 - 30 tấn, trong đó nuôi theo cách truyền thống chỉ đạt khoảng 6-7 tấn.

Cà Mau: Mục tiêu xuất khẩu 2,5 tỉ USD, người nuôi tôm sẽ thực sự đổi đời?
Nuôi siêu thâm canh cho năng suất rất cao, một héc-ta có thể cho sản lượng 25 - 30 tấn

Chúng tôi đang đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư về kỹ thuật và kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư các trung tâm phát triển nuôi tôm công nghệ mới

Cùng với đó, Cà Mau cũng phát triển nuôi tôm sinh thái, tôm lúa. Đây là thế mạnh đặc biệt của Cà Mau mà nơi khác không có. 

Tuy nhiên, nuôi tôm sinh thái năng suất thấp nên cần phải tập trung các công nghệ, giải pháp để tăng năng suất. 

Khó khăn lớn nhất của Cà Mau trong việc phát triển nuôi tôm siêu thâm canh là gì thưa ông?

Khó khăn lớn nhất trong việc nuôi tôm siêu thâm canh là hạ tầng, là việc xây dựng các trung tâm để tập trung thu hút đầu tư. Về phía người dân thì cái khó đầu tiên đó là công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi giải quyết khó khăn này khá tốt. 

Bằng các dự án nghiên cứu, tập hợp các chương trình nuôi từ các nước nuôi tôm tiên tiến, chúng tôi đã đưa ra các quy trình khá chuẩn và phổ biến rộng rãi cho người dân. Cái khó khiến chúng tôi đau đầu nhất vẫn là vốn đầu tư, người dân thiếu vốn nên khó có thể chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh sang siêu thâm canh.

Bộ NN-PTNT đưa mục tiêu đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm là 10 tỷ USD, Cà Mau đã đồng hành với người nuôi tôm như thế nào để góp phần đạt mục tiêu chung này? 

Về vốn thì chúng tôi đang có tổ chức liên kết giữa các bên để hỗ trợ cho nhau, các doanh nghiệp đầu vào, đầu ra, doanh nghiệp chế biển thủy sản… cùng hỗ trợ cho các vùng nuôi. Chúng tôi cũng liên kết với ngân hàng để ngân hàng tham gia vào chuỗi liên kết hỗ trợ tiền vốn.

Cà Mau: Mục tiêu xuất khẩu 2,5 tỉ USD, người nuôi tôm sẽ thực sự đổi đời?

Cà Mau đang trình chính phủ đề án phát triển ngành tôm ở Cà Mau đến năm 2025 định hướng năm 2030. Đề án đã xây dựng xong đang lấy ý kiến từ các bộ ngành và trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đề án chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau đến 2020 đạt 1,8 tỷ USD, năm 2025 đạt 2,5 tỷ USD. 

Nếu đề án được phê duyệt thì có rất nhiều cơ hội phát triển cho ngành tôm của Cà Mau. Cụ thể, trung ương đầu tư một số nguồn kinh phí để phát triển ngành tôm, đồng thời Cà Mau cũng có nhiều cơ hội hơn để kêu gọi các nhà đầu tư. 

Cụ thể, ngành tôm Cà Mau sẽ được đầu tư về hạ tầng như đường, điện, thủy lợi, vốn vay ưu đãi, người nuôi tôm được đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ thì chắc chắn ngành tôm sẽ phát triển đúng như mong muốn.

Cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo ông Châu Công Bằng cùng nhiều chuyên gia về thủy sản, để hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm ở Cà Mau đạt 2,5 tỉ USD cần có quan tâm, chung tay của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và đặc biệt cần có sự hỗ trợ, đầu tư của các doanh nghiệp thủy sản.

Ông Châu Công Bằng cho biết, ở Cà Mau những năm qua, các doanh nghiệp đã "vào cuộc" rất tích cực, luôn sát cánh cùng nông dân, hỗ trợ nông dân về công nghệ, vốn, bao tiêu sản phẩm. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú là một trong những doanh nghiệp tiên phong. Tập đoàn thủy sản Minh Phú thành lập ở đất mũi Cà Mau từ hơn 20 năm trước.

Hiện tại Minh Phú đang đứng thứ hạng 50 trong Top 100 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất thế giới đóng góp hơn 20% thị phần ngành tôm của Việt Nam, góp phần giúp ngành tôm Việt Nam luôn ở trong Top 3 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới.

Minh Phú đầu tư các dây chuyền sản xuất tôm hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới. Theo ông Chu Hồng Hà, Phó chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú thì hiện tại tập đoàn đang sở hữu vùng nuôi rộng lớn với hơn 900 héc-ta nuôi tôm siêu thâm canh, cùng hơn 12 nghìn héc- ta nuôi tôm sinh thái liên kết và hơn 100 nghìn héc-ta của các hộ nuôi tôm trong chuỗi cung ứng, cung cấp con giống, thức ăn, thuốc, quy trình nuôi được các chuyên gia của Minh Phú hướng dẫn.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN