Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:06
RSS

Bộ Y tế đề xuất giải pháp dự trữ thuốc hiếm, cứu chữa bệnh ít gặp

Thứ hai, 27/03/2023, 06:41 (GMT+7)

Thời gian qua, một số cơ sở y tế thiếu thuốc hiếm để cứu chữa những ca bệnh ít gặp nhưng nguy kịch. Bộ Y tế đã để xuất giải pháp cho vấn đề này.

Tuần qua, để cứu giúp các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn cá chép muối ủ chua tại Quảng Nam, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã phải mang 3 lọ thuốc hiếm Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải ngộ độc tố Clostridium Botulinum để cứu chữa cho các bệnh nhân. 

3 bệnh nhân ngộ độc nặng được truyền thuốc giải độc. Theo tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện bệnh viện còn 2 lọ thuốc BAT và đây là 2 lọ thuốc cuối cùng trên cả nước, có giá hơn 8.000USD/lọ. 

Thời gian qua, đã có không ít các trường hợp bị rắn cắn nguy kịch nhưng bệnh viện lại không có huyết thanh để điều trị vì là thuốc hiếm. 

Theo các bác sĩ, các loại thuốc hiếm là do ít bệnh nhân phải sử dụng, có giá rất đắt, nếu lưu trữ lâu mà không dùng sẽ hết hạn phải tiêu hủy. Do đó, các bệnh viện không có điều kiện để tích trữ các loại thuốc này. 


Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tập trung cứu chữa bệnh nhân ngộ độc Botulinum tại Quảng Nam. Ảnh: BVCC

Theo Lê Việt Dũng - Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), để giúp các có sở y tế có biện pháp chủ động trong việc đảm bảo đủ thuốc hiếm đáp ứng nhu cầu điều trị của cơ sở, trong nhiều năm qua Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có. 

Danh mục các thuốc này thường xuyên được điều chỉnh và hiện đang được quy định tại Thông tư số 26/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế (Danh mục hiện tại gồm 214 thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 229 thuốc không sẵn có).

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã trình Chính phủ/ban hành theo thẩm quyền một số cơ chế để đảm bảo nguồn cung đối với thuốc hiếm như:

Về đăng ký thuốc: Ưu tiên thẩm định theo quy trình thẩm định nhanh; xem xét, chấp nhận hồ sơ dữ liệu trong trường hợp dữ liệu chưa đáp ứng đủ thời gian theo quy định.

Cho phép cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành đối với các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của cơ sở khám chữa bệnh; đồng thời cho phép chuyển nhượng các thuốc này giữa các cơ sở khám chữa bệnh...

Theo ông Dũng, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng đối với một số thuốc hiếm hiện nay là việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm vẫn được thực hiện bởi các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc. 

Về cơ bản, nguồn cung tổng thể với các thuốc hiếm là không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế do còn tồn tại các khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu do phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm và trong công tác thực hiện mua sắm (thời gian thực hiện mua sắm kéo dài dẫn đến thiếu tính kịp thời trong mua sắm). 

Ngoài ra, thực tế ghi nhận một số thuốc hiếm được cơ sở y tế mua về không sử dụng hết do không có đủ bệnh nhân, phải hủy bỏ khi thuốc hết hạn.

Ông Dũng cho biết, các giải pháp giải quyết khó khăn trong tích trữ thuốc hiếm hiện nay bao gồm: 

Bộ Y tế đang triển khai xây dựng danh mục thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu hàng năm để có kế hoạch chủ động đảm bảo nguồn cung với các thuốc này.

Bộ Y tế đã chủ động báo cáo, đề xuất và đã được Chính phủ đồng ý tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/03/2023 là giao Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Hiện tại, Bộ Y tế đang triển khai thực hiện nội dung trên, trong đó dự kiến đề xuất một số cơ chế, bao gồm: 

Thứ nhất: Có cơ chế đặc thù về tài chính như: Bố trí, phân bổ nguồn ngân sách nhà nước để các cơ sở khám chữa bệnh chủ động dự trù các mặt hàng thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.

Thứ 2: Có giải pháp, cơ chế để các cơ sở KCB có thể mua sắm, dự trữ để 1 số thuốc chống độc, ngộ độc, chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhên dẫn đến thuốc hết hạn.

Thứ 3: Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.  

Diệu Linh
Theo Dân Việt