Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:36
RSS

Bé 12 tuổi nguy kịch vì vi khuẩn lao tấn công phổi, bụng, cơ xương khớp

Chủ nhật, 26/03/2023, 07:43 (GMT+7)

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM vừa điều trị thành công cho bé gái 12 tuổi bị vi trùng lao tấn công nhiều cơ quan như phổi, bụng, cơ xương khớp, rơi vào nguy kịch.


Một bệnh nhi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: BVCC/vietnamnet

Ngày 25/3, báo pháp luật Việt Nam thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM cho biết, các bác sĩ tại khoa Hồi sức Nhiễm và Covid-19 vừa điều trị thành công cho bé gái 12 tuổi mắc vi trùng lao, rơi vào nguy kịch.

Cụ thể, trong quá trình điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bé sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, hệ thống miễn dịch bị suy giảm trầm trọng, khiến bé mắc vi trùng lao (vi trùng cơ hội) tại nhiều cơ quan như phổi, bụng, cơ xương khớp. Bệnh nhân suy hô hấp nặng và vào sốc nhiễm khuẩn, được hỗ trợ thở máy xâm lấn, chống sốc , kháng sinh, kháng lao, vận mạch, chọc màng phổi,…

Sau một tháng điều trị, bé đã được cai máy thở, tỉnh táo và phục hồi gần như hoàn toàn và được xuất viện vào ngày 23/3. Theo Báo Vietnamnet, Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm và Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM đánh giá, đây là trường hợp mắc bệnh lao rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm, do vi khuẩn lao có tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis gây ra, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới Vi khuẩn thường tấn công vào phổi, cũng có thể gây tổn thương ở những cơ quan khác như não, tủy, thận và cơ xương khớp.

Tỷ lệ trẻ em bị bệnh lao mỗi năm chiếm khoảng 15% trong tổng số các ca mới. Trẻ bị bệnh lao có thể có biểu hiện của mọi thể lao tương tự như ở người lớn. Tuy nhiên phổ biến nhất là lao sơ nhiễm, sau đó là lao phổi, màng phổi, lao màng não và một số thể lao ngoài phổi như lao xương, lao màng bụng, lao hạch, lao ruột ...

Lao sơ nhiễm là dạng lao thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, chưa được tiêm ngừa lao. Triệu chứng bệnh thường mơ hồ, không rõ ràng. Trẻ có thể biểu hiện một hay nhiều triệu chứng của lao sơ nhiễm như: chậm lớn hay sụt cân; hoặc trẻ có thể chỉ có biểu hiện duy nhất là khò khè kéo dài, ho kéo dài tái đi tái lại, khiến trẻ bị chẩn đoán nhầm với bệnh phổi khác.

Những đối tượng trẻ em có nguy cơ dễ mắc bệnh lao gồm: Trẻ sống trong gia đình có người thân đang mắc bệnh lao, tiếp xúc nguồn lây hoặc nơi cư trú có yếu tố dịch tễ lao cao; Trẻ không được tiếp cận dịch vụ y tế tốt; Trẻ có hệ miễn dịch yếu, như bị nhiễm HIV hoặc có các bệnh lý mạn tính khác; Trẻ chưa được tiêm ngừa bệnh lao; Trẻ đang sử dụng các loại thuốc có tác dụng phụ làm suy yếu hệ thống miễn dịch như hoá trị liệu hoặc corticosteroid.

Nếu trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh lao sẽ tiến triển nghiêm trọng hơn, gây ra các triệu chứng nguy hiểm như suy kiệt, hoặc có thể gây nhiễm lao ở một số cơ quan khác của cơ thể. Nguy hiểm hơn cả là lao màng não sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới não bộ, thậm chí gây tử vong.

Để phòng bệnh lao, theo bác sĩ khuyến cáo, phòng ngừa bằng thuốc chủng ngừa, tiêm nhắc định kỳ, dinh dưỡng đầy đủ nâng cao thể trạng, thể dục thể thao bổ sung vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, người dân cần hạn chế tiếp xúc với người mắc lao, đặc biệt các đối tượng có nguy cơ cao: người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người có bệnh nền nặng...

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại