Thứ bảy, 20/04/2024 | 20:51
RSS

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Người xả rác sẽ trả tiền theo khối lượng, thể tích'

Thứ sáu, 12/06/2020, 19:04 (GMT+7)

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 12/6, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà giải thích về quy định mới trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đó là việc rác thải sẽ được thu gom theo khối lượng.

Bộ Tài nguyên Môi trường đề xuất người xả rác sẽ trả tiền theo khối lượng thông qua việc mua túi đựng rác, thay vì tính bình quân đầu người như lâu nay. "Nguyên tắc quan trọng nhất trong dự luật là không thu tiền xử lý rác theo bình quân đầu người như trước đây, mà tính theo lượng rác. Người xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền. Lượng rác có thể đo bằng khối lượng, thể tích", ông Hà nói. 

Theo kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới việc tính khối lượng rác không phải cân đong từng lần xả rác của người dân, mà các nước sản xuất bao bì đựng rác với màu sắc cho từng loại rác để tính thể tích. Tiền xử lý rác tính vào tiền mua bao bì. Người dân càng xả nhiều rác thì càng phải mua nhiều bao bì loại này. 

Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ quy định về nguyên tắc, sau đó Chính phủ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn và các địa phương quy định cụ thể hóa để thực hiện chính sách này. 

Vietnamnet dẫn lời bộ trưởng cho biết: "Việc thu phí rác sinh hoạt quan trọng nhất là không đánh đều bình quân, ví dụ rác thu 10 - 20 nghìn/hộ mà tính trên lượng rác, đo bằng khối lượng, thể tích. Thông thường đo bằng khối lượng thì không thực tế nên chủ yếu người ta đo bằng thể tích trên bao đựng rác, người ta tính khoảng bao nhiêu m3 rác. Tính như thế là phù hợp hơn.

Tính theo lượng có nghĩa là xả ra khối lượng rác nhiều, tức thể tích nhiều thì phải trả tiền nhiều, chứ không đánh đều trung bình, bình quân.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng
Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Ảnh: Dân Trí

Nhiều nước tính tiền rác qua bao bì. Họ thực hiện phân loại rác, các loại với màu sắc khác nhau. Mỗi bao bì chứa thể tích bao nhiêu và dựa vào lượng rác trên bao bì để tính bán bao bì và tiền thu rác".

Trả lời câu hỏi: "Liệu ta có đủ nguồn lực làm không, khi các đơn vị môi trường đang có năng lực hạn chế?", ông Trần Hồng Hà cho hay: "Cần xác định rác là tài nguyên, cần có ngành công nghiệp xử lý chất thải. Mục tiêu là thu phí xử lý rác thải để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đảm bảo được chi phí đầu tư, vận hành và có lãi. Qua đó thu hút được những doanh nghiệp có năng lực, công nghệ quản trị tốt.

Mức phí như hiện nay đang rất thấp. Các đơn vị là doanh nghiệp khi xả rác tới đây phải chi trả đúng giá, còn với người dân, Nhà nước có thể hỗ trợ cho những đối tượng chính sách, gia đình khó khăn.

Đó là những điều cần được quy định trong dự thảo luật. Có như vậy mới xã hội hóa được để hình thành ngành xử lý môi trường ở nước ta". 

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN