Bộ trưởng Bộ Công an: Bỏ sổ hộ khẩu không có nghĩa là bỏ quản lý
Sáng 6/11, trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội về quyết định bỏ sổ hộ khẩu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, quyết định này làm đơn giản hoá thủ tục hành chính phục vụ nhân dân, nhưng "bỏ giấy tờ không có nghĩa là bỏ quản lý".
Trả lời câu hỏi "bỏ sổ hộ khẩu có đồng nghĩa với bỏ hình thức quản lý dân cư bằng đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng?", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: "Chắc chắn phải quản lý. Đã là nhà nước thì phải có chức năng quản lý, chứ không thể ai muốn vào thì vào. Bỏ hộ khẩu sẽ đơn giản hoá thủ tục nhưng không có nghĩa là bỏ quản lý, nguyên tắc là thế”, theo báo Tiền phong.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ Công an sẽ có họp báo để thông tin đầy đủ và trả lời tất cả những câu hỏi xung quanh việc bãi bỏ hộ khẩu. "Chiều nay hoặc có thể chiều mai, Bộ Công an sẽ mời các cơ quan báo chí đến để thông tin, tìm hiểu. Chúng tôi sẽ trả lời những thắc mắc về vấn đề này", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Trước đó, ngày 30/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP đưa ra nhiều chính sách quan trọng liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, báo pháp luật TP. HCM đưa tin.
Cụ thể, các giấy tờ như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, chứng minh nhân dân và một số loại giấy tờ khác sẽ bị bãi bỏ, thay thế vào đó chúng sẽ được cập nhật vào dữ liệu dân cư quốc gia, công dân sẽ được cấp số định danh cá nhân để Nhà nước quản lý.
Trao đổi với báo chí về nội dung này sáng cùng ngày, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho hay, việc bỏ sổ hộ khẩu là “hoàn toàn hợp lý” và quá trình này đã được chuẩn bị chu đáo nhằm giảm bớt thủ tục, giấy tờ cho người dân.
“Cơ sở dữ liệu quốc gia hiện đã được hoàn tất toàn bộ. Giờ đang triển khai chủ trương làm căn cước công dân, hiện Hà Nội đang triển khai việc này. Riêng các tỉnh sau khi có chủ trương của Bộ Công an sẽ đồng loạt triển khai ngay. Hiện trong cơ sở dữ liệu quốc gia đã rất đầy đủ nên khi quyết định bỏ các giấy tờ ấy sẽ không có vấn đề gì” - ông Cầu nói.
Ông cầu cũng khẳng định, việc bỏ một số giấy tờ trên không gây áp lực quản lý xã hội đối với cơ quan chức năng vì các thông tin trên dã được cập nhật bằng dữ liệu điện tử, quản lý bằng công nghệ thông tin. Điều này giúp người dân thay vì phải mang một đống giấy tờ thì chỉ cần xuất số định danh cá nhân để cơ quan chức năng kiểm tra qua máy tính.
“Khi xuất hiện vấn đề liên quan đến công dân thì việc kiểm tra để xác minh do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, còn công dân chỉ cần xuất trình, thông báo. Cho nên với một việc chuẩn bị rất chu đáo về cơ sở dữ liệu dân cư rồi thì có thể trả lời được ngay, chính xác, không có vấn đề vướng gì.
Ví dụ ở Nghệ An có hơn 3,2 triệu mã định danh, tất cả những vấn đề về chứng minh nhân dân của dân chúng tôi chỉ cần vào máy tính tra cứu là trả lời chính xác”- ông Cầu nói.
Ông Cầu cho hay lộ trình thực hiện bỏ sổ hộ khẩu và một số giấy tờ liên quan sẽ không kéo dài vì “chủ trương ở Bộ là cho làm đồng loạt”. Trước mắt Bộ sẽ triển khai làm căn cước công dân, hiện cơ sở dữ liệu đã kết nối đến từng địa phương, chỉ chờ địa phương thực hiện là xong.