Thứ sáu, 26/04/2024 | 23:41
RSS

Nếu Covid-19 căng thẳng, thời gian năm học có thể được điều chỉnh

Thứ tư, 11/03/2020, 14:28 (GMT+7)

Thời gian năm học 2019-2020 và lịch thi THPT quốc gia có thể điều chỉnh nếu tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp.


Học sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Tuổi trẻ

Ngày 11/3, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay Bộ đã xây dựng một số phương án sẵn sàng ứng phó với tình hình phức tạp của Covid-19, báo VNE đưa tin.

Thứ nhất, nếu các địa phương cho học sinh nghỉ hết 15/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giữ nguyên khung kế hoạch năm học 2019-2020 đã điều chỉnh, tức năm học kết thúc trước ngày 30/6, Tuyển sinh lớp 10 hoàn thành trước 15/8 và kỳ thi THPT quốc gia 2020 từ ngày 23 đến 26/7, chậm một tháng so với năm 2019.

"Trường hợp này, học sinh nghỉ 6 tuần. Khung thời gian năm học lùi 4 tuần, cộng thêm 2 tuần dự trữ vốn có của mỗi học kỳ là vẫn khả thi", ông Thành nói.

Thứ hai, nếu địa phương cho học sinh nghỉ hết tháng 3, các mốc thời gian năm học vẫn có thể giữ, nhưng các trường sẽ phải chủ động rà soát, tinh giản nội dung dạy học, sử dụng hình thức dạy học khác, như trực tiếp trên lớp theo môn, tổ chức hoạt động giáo dục theo chủ đề liên môn, các hình thức ngoài lớp học như dạy trực tuyến nhằm đảm bảo chương trình.

Trường hợp phải nghỉ nhiều hơn nữa, ông Thành khẳng định vẫn còn quỹ thời gian phía sau. "Theo tính toán của chúng tôi, vẫn có khoảng thời gian cho phép trước khai giảng năm học tới (5/9) để có thể nới khung năm học nếu cần thiết. Căn cứ tình hình thực tiễn, Bộ sẽ tính toán việc tiếp tục điều chỉnh kế hoạch năm học và thời điểm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để đảm bảo học sinh hoàn thành chương trình và ôn thi", ông Thành nói. 

Về dạy học trực tuyến, báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Thành nhấn mạnh các sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT và các nhà trường cần tăng cường mối liên hệ chặt chẽ trong cơ chế giải trình khi triển khai các hình thức dạy học linh hoạt, tránh gây hiểu nhầm, bức xúc cho phụ huynh. Các sở GD-ĐT cần có hướng dẫn và khuyến khích các nhà trường chủ động linh hoạt thực hiện nội dung dạy học.

Có thể khi học sinh chưa trở lại trường thì dạy trực tuyến, sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện giao nhiệm vụ học tập cho học sinh từ xa, giáo viên dành thời gian xây dựng các bài giảng ứng dụng công nghệ thông tin để dạy học, tiết kiệm thời gian. Khi học sinh đã trở lại trường, hiệu trưởng các trường chủ động triển khai cho các tổ bộ môn trong việc sắp xếp thời khóa biểu, thời gian và hình thức học tập để tiết kiệm thời gian, đảm bảo kết thúc năm học như mốc đã quyết định.

Đến sáng 11/3, Covid-19 đã lây lan ra 119 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 119.000 người nhiễm, hơn 4.200 người chết. Việt Nam ghi nhận 35 người nhiễm nCoV, trong đó 16 người đã được chữa khỏi.

Trước diễn biến phức tạp, hầu hết địa phương cho học sinh từ mầm non đến THCS nghỉ hết 15/3. Một số nơi cho cả học sinh THPT nghỉ đến khi có thông báo mới.

Kim Hảo
Theo Đời sống Plus/GĐVN