Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:05
RSS

Bộ GD&ĐT yêu cầu không vận động học sinh mua sách tham khảo

Thứ hai, 13/06/2022, 06:59 (GMT+7)

Bộ GD&ĐT yêu cầu không vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa được Bộ phê duyệt và các địa phương lựa chọn dưới bất kỳ hình thức nào.

Bộ GD&ĐT yêu cầu không vận động học sinh mua sách tham khảo

Ảnh minh hoạ

Theo VTC News,  trong chỉ thị mới nhất về sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo ở các cơ sở giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn.

Đồng thời, không lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua.

Bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua sách giáo khoa cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức việc thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng sách giáo khoa, sách bài tập, xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản có sách giáo khoa đã được phê duyệt phải tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành sách giáo khoa nhằm tiết kiệm, giảm giá thành sách giáo khoa; kịp thời in ấn, phát hành sách giáo khoa bảo đảm đủ số lượng, chất lượng sách giáo khoa phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh. Báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả rà soát, đánh giá và phương án giảm giá thành sách giáo khoa trước khi phát hành hoặc tái bản.

Nguồn tin trên Dân trí cho biết, trước đó, dư luận phản ánh SGK mới ở một số khối lớp có giá cao gấp 3 lần SGK hiện hành. Một số SGK không cần thiết với học sinh như: SGK trải nghiệm, Thể dục… NXB Giáo dục cho rằng, sở dĩ giá sách cao là do việc làm sách đã được xã hội hóa, chất lượng giấy tốt hơn, khổ rộng hơn… Một số chuyên gia nhận định, SGK là mặt hàng đặc thù, nên chăng Nhà nước cần trợ giá ở một số khâu để giảm giá sách.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại