Kết quả kiểm tra giá điện của Bộ Công Thương cho thấy các công ty điện lực đã thực hiện đúng/ Ảnh:PLO
Các công ty điện lực đã thực hiện đúng
Theo đó, cơ quan này khẳng định, kết quả kiểm tra thực tế công tác niêm yết công khai giá điện mới theo Quyết định số 648/QĐ-BCT được được các đơn vị thực hiện đúng quy định tại Điều 6 Luật Giá và đảm bảo thông tin về việc điều chỉnh giá điện đến các khách hàng kịp thờ, TTXVN đưa tin.
Bên cạnh đó, công tác ghi chỉ số côngtơ, chốt chỉ số, tính tiền điện trong tháng thay đổi giá, áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện được các đơn vị thực hiện đúng quy trình kinh doanh của EVN, cũng như tuân thủ theo Nghị định số 137/2013/NĐ-CP về ghi chỉ số côngtơ, thanh toán tiền điện vả Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương.
Thông tin thêm, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, qua kiểm tra thực tế, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4/2019 tăng là do sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao.
Một nguyên nhân nữa là do tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36% vào ngày 20/3, trong khi kỳ ghi chỉ số côngtơ của tháng Tư cũng nhiều hơn 3 ngày so với tháng Ba. Đáng chú ý, việc chốt chỉ số côngtơ, phát hành hóa đơn tiền điện tại một số khách hàng sử dụng điện sản xuất lớn cho thấy, các tổng công ty điện lực và công ty điện lực đã thực hiện đúng quy định.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng đã chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và áp dụng nhiều biện pháp để tiết kiệm điện. Liên quan đến việc kiểm tra công tác kinh doanh dịch vụ, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, phía ngành điện đã chuẩn bị kỹ càng, có kết hoạch đầy đủ cho việc giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện.
“Kết quả thực tế xử lý tại các cuộc gọi kiểm tra xác suất, các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả giải quyết,” đại diện Bộ Công Thương nói.
Theo thống kê của EVN từ số liệu phần mềm quản lý chăm sóc khách hàng, từ 20/3 đến 4/5, toàn Tập đoàn đã tiếp nhận và giải đáp 71.504 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hoá đơn tiền điện. Trong đó có 14.541 kiến nghị thắc mắc về chỉ số công tơ, hoá đơn tiền điện. Kiểm tra cho thấy, các thắc mắc đã được trả lời 100%, các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù sản lượng điện và số lượng khách hàng sử dụng điện ở bậc thang cao (trên 200 kWh/tháng) cao hơn bình quân cả nước và hoá đơn tiền điện cao hơn nhưng số lượng kiến nghị ít hơn nhiều so với các khách hàng ở các tỉnh, thành phố còn lại.
Giá điện của Việt Nam cao hay thấp so với các nước?
Cũng theo PLO, trong báo cáo Chính phủ của Bộ Công thương về việc nguyên nhân tăng giá điện, Bộ này đã so sánh giá điện của Việt Nam với các nước. Cụ thể, theo số liệu giá điện các nước trên thế giới Bộ Công thương đã dẫn nguồn Globalpettrolprices tại tháng 6/2018 và Statisticstimes tháng 3/2019:
So với các nước Đông Nam Á: Sau khi điều chỉnh giá điện thì mức giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam bằng 66% giá điện bình quân tám nước trong Đông Nam Á và bằng 37% so với Cambodia và 78% giá điện của Lào.
So sánh giá điện so với các nước cùng GDP: Tổng hợp tám nước có GDP từ 1.599USD đến 3,246USD thì mức giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam sau khi điều chỉnh chỉ bằng 83% giá điện bình quân tám nước có GDP bình quân.
Như vậy, sau khi điều chỉnh giá điện bán lẻ điện bình quân ở Việt Nam vẫn thấp hơn 17% giá điện bình quân tám nước có GDP tương đồng với Việt Nam, bằng 66% giá điện bình quân tám nước trong khu vực Đông Nam Á và bằng 58% giá điện bình quân của các nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng dẫn nguồn một số nước áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang và giá điện theo bậc thang sau cũng cao hơn bậc thang đầu như Việt Nam. Cụ thể: Tại Bang Nam California (Mỹ), giá điện hộ gia đình áp dụng giá ba bậc tăng dần từ 19 cent/kWh đến 42 cent/kWh với giá bậc cao nhất gấp 2,2 lần so với giá bậc 1.
Tại Hàn Quốc, bên cạnh giá cố định khách hàng phải trả hàng tháng, khách hàng phải trả thêm giá biến đổi với ba bậc tăng dần với bậc 1 (mức tiêu thụ 1-200kWh/tháng) là 93,3 won/kWh, bậc cao nhất (mức tiêu thụ 400kWh/tháng) là 280,6 won/kWh, cao gấp 3 lần bậc 1.
Tại Thái Lan ở khu vực Bangkok, hộ sử dụng điện sinh hoạt trên 150kWh/tháng gồm hai thành phần cố định và biến đổi; trong đó, giá biến đổi có ba bậc tăng dần từ 1,8047 baht/kWh lên 2,978 baht/kWh (giá bậc cao nhất gấp 1,65 lần so với bậc 1).
Tại Lào, giá điện sinh hoạt có 3 bậc tăng dần từ 4,2 cent/kWh đến 12,1 cent/kWh (giá bậc cao nhất gấp 2,88 lần so với bậc 1). Trước đó, ngày 3-5, Thủ tướng chỉ đạo làm rõ việc điều chỉnh giá bán điện.
Văn bản nêu rõ, thời gian qua một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin việc điều chỉnh mức giá bán điện và việc thu tiền điện gây bức xúc cho người dân. Về việc này Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau:
Yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6-2019.