Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:41
RSS

Thứ trưởng Công Thương: Sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới

Thứ bảy, 04/05/2019, 11:42 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận thực tế giá điện từ trước tới nay chỉ có tăng mà chưa bao giờ giảm.

Thứ trưởng Công Thương lý giải vì sao giá điện chỉ tăng, chưa giảm
Bộ Công Thương sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra việc tăng giá điện từ ngày 8-10/5

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký Quyết định về việc kiểm tra tình hình thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.

Theo quyết định này, Bộ Công Thương sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra về tình hình thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT. 

Theo An ninh Thủ đô, nội dung kiểm tra bao gồm: Kiểm tra việc thực hiện quyết định điều chỉnh giá điện; công tác kinh doanh dịch vụ, giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện trong thời gian qua; Tình hình thực hiện công tác tuyên truyền về giá điện và sử dụng điện cho khách hàng sử dụng điện.

Quyết định nêu rõ các đối tượng được kiểm tra là các Tổng công ty Điện lực và một số khách hàng sử dụng điện. Quá trình kiểm tra sẽ diễn ra trong 2 ngày, từ 8 đến 10/5 tới đây.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí xung quanh phản ánh của người tiêu dùng về việc tiền điện tháng 4/2019 tăng quá cao do việc tăng giá điện ngày 20/3/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết rất chia sẻ với người tiêu dùng.

Trả lời VnExpress, Thứ trưởng Vượng lý giải: "Sau phản ánh của báo chí, Bộ Công Thương đã kiểm tra và thấy rằng có ba lý do tiền điện tăng. Một là nhu cầu sử dụng tháng 4 cao hơn nhiều so với các tháng trước do thời tiết nắng nóng. Sản lượng tiêu thụ thực tế tại Hà Nội bình quân tháng 4 tăng hơn 16% và hơn 32% khách hàng có mức tiêu thụ điện trên 1,5 lần so với tháng trước. Con số này ở TP HCM lần lượt là 15% và 22%.

Hai là số ngày sử dụng điện tháng 4 nhiều hơn 3 ngày so với tháng 3, làm điện năng sử dụng tăng thêm 10,71%. Yếu tố khác cũng khiến tiền điện tăng là việc điều chỉnh giá điện từ ngày 20/3. Tuy nhiên, nếu lượng điện dùng trong tháng 4 bằng tháng trước, tiền điện phải trả cũng chỉ tăng hơn 8,36-8,38% thôi".

Về những băn khoăn xung quanh việc giá điện từ trước tới nay chỉ có tăng mà chưa bao giờ giảm, ông Vượng "thừa nhận thực tế này, do giá thành sản xuất điện tăng mà chưa thể giảm". 

"Trước đây, chúng ta tiêu thụ điện ít, thì nguồn điện cung cấp chủ yếu từ các nhà máy thuỷ điện có giá thành rẻ. Trong khi đó, hiện nay tiềm năng thuỷ điện đã khai thác hết và để đáp ứng nhu cầu dùng điện ngày càng lớn buộc ngành điện phải xây dựng các nhà máy điện than, khí, năng lượng tái tạo và thậm chí chạy dầu với chi phí cao. Vì vậy, giá điện bán cho người tiêu dùng tăng lên" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết thêm.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho hay, giá điện tính theo bậc thang của Việt Nam đã được tham khảo từ nhiều nước trên thế giới như: Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia...

"Tuy nhiên, đúng là khi nhu cầu điện sinh hoạt tăng cao và công tơ điện tử được dùng thay thế công tơ cơ ngày càng nhiều thì việc đưa ra biểu giá điện bậc thang mới là cần thiết. Vì thế, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới nhằm giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả"- Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.

Trước đó, ngày 3/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Công Thương kiểm tra việc tăng giá điện.

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN