Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:20
RSS

Bị thách cưới cả triệu USD, đàn ông Trung Quốc làm quần quật 20 năm vẫn không đủ

Thứ sáu, 24/11/2017, 07:10 (GMT+7)

Đàn ông Trung Quốc làm 20 năm không đủ tiền cưới vợ bởi phải chi gần triệu USD mới có vợ theo lời thách cưới từ nhà gái.

Nhiều đàn ông Trung Quốc than phiền rằng truyền thống thách cưới khiến họ không đủ khả năng cưới vợ khi mà một cô dâu ở đông nam Trung Quốc gần đây gây xôn xao trên mạng xã hội sau khi tiết lộ chú rể đã chi 6 triệu nhân dân tệ (gần một triệu USD) để được phép kết hôn với cô.

Theo SCMP, cha mẹ cô sau đó cho con gái họ 10 triệu nhân dân tệ và một máy bay nhỏ làm của hồi môn. Những hình ảnh về đám cưới của đôi uyên ương ở Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến, đang lan truyền trên mạng và khiến dư luận Trung Quốc bị sốc vì chi phí quá "khủng". Thân thế của họ không được tiết lộ.

đàn ông Trung Quốc thách cưới
Hồi môn cho nhà gái tăng cao, khiến đàn ông Trung Quốc khó khăn để tìm vợ. Ảnh minh họa

Chỉ trước đó vài ngày, một cô dâu khác ở Phủ Điền cũng gây tranh cãi với mức giá thách cưới là 3,8 triệu nhân dân tệ (hơn 500.000 USD).

Theo truyền thống, các chú rể ở Trung Quốc thường phải tặng quà cho cha mẹ của cô dâu mới được phép làm đám cưới. Quà tặng thường là tiền mặt. 

Cách đây 3 năm, thống kê của tập đoàn bất động sản Vanke ở Trùng Khánh và kênh bất động sản của công ty truyền thông Sina cho hay hầu hết nam giới chi hàng chục nghìn nhân dân tệ cho cha mẹ của cô dâu. Thượng Hải đứng đầu danh sách với mức giá thách cưới là một triệu nhân dân tệ (gần 160.000 USD). 

đàn ông Trung Quốc thách cưới
Một lý do khiến giá kết hôn tăng cao là do mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc. Ảnh minh họa

"Tình yêu không còn là cảm xúc mà là vấn đề giá cả", Liu Yanwu, một giáo sư xã hội học tại Đại học Vũ Hán phát biểu. Giáo sư Liu đã khảo sát những thay đổi trong chi phí kết hôn ở vùng nông thôn nhiều thập kỷ qua: từ năm 1970 - 1980, hôn nhân là một gánh nặng trong các gia đình nông thôn.

Đến những năm 1990, chi phí cho một cuộc hôn nhân bằng thu nhập trung bình của một lao động nông thôn tích góp trong 3 - 4 năm. Nhưng kể từ năm 2000, chi phí đã tăng vọt: đến nay, một người phải làm việc 20 năm mới cưới được vợ.

Chi phí này ngoài tổ chức đám cưới, một số lớn sẽ dành để mua nhà (ở nhiều vùng, chú rể phải có nhà mới cưới được vợ), thậm chí ở một số nơi là xe hơi.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN