Theo VNE, sáng 19/8, anh T. (ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) nghe con trai báo sau rẫy mãng cầu na có con rắn liền ra xem. Khi vừa đến bãi cỏ, anh thấy con rắn "khủng" ngay chân mình nên phản xạ đưa tay chụp. Anh T. bị rắn quay đầu cắn vào đùi phải, quấn chặt tay, cổ, không thể gỡ ra.
Anh T. dùng tay còn lại bóp cổ con rắn. Mọi người xung quanh nhanh chóng dùng vải cột ngang đùi nạn nhân, chặn nọc độc lan rộng; đồng thời lấy băng keo quấn miệng con rắn lại. Anh T. được chuyển đến tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cách đó hơn 20 km bằng taxi.
"Lúc nhập viện, bệnh nhân vẫn nói chuyện bình thường, sau khi được người dân hỗ trợ gỡ con rắn còn sống ra thì chúng tôi mới cấp cứu được", nữ bác sĩ cho biết.
Tại bệnh viện, sau khi lấy con rắn ra khỏi tay bệnh nhân, các bác sĩ rửa vết thương, băng ép cố định chân, truyền giảm đau và kháng sinh cần thiết. Tuy nhiên sau 30 phút, ông T. có các biểu hiện gồng người tím tái, khó thở… nên các bác sĩ đặt nội khí quản, cho thở máy và làm thủ tục chuyển viện xuống Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.
Trao đối với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, Bệnh vện Chợ Rẫy, cho biết đơn vị tiếp nhận bệnh nhân từ Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh lúc 12h45 trong tình trạng bị vết thương ở đùi, liệt tứ chi, đồng tử giãn, mất phản xạ. Lúc này, con rắn được chuyển cùng bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng buộc chặt miệng và chết sau đó (xác rắn đã được giao lại cho gia đình).
Xác định bệnh nhân có biến chứng nhiễm độc thần kinh nặng do rắn hổ mang chúa cắn nên các bác sĩ nhanh chóng chuyển lên khoa bệnh nhiệt đới điều trị. Bệnh nhân được cho sử dụng 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Sau khi sử dụng, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu phản ứng, cử động được tay chân và mở được mắt.
"Đối với rắn hổ mang chúa, ngoài nhiễm độc thần kinh còn có khả năng nhiễm độc đến cơ tim. Do đó dù tạm thời qua khỏi nguy kịch nhưng chúng tôi vẫn phải theo dõi rất sát biến chứng tim mạch, liệt cơ để kịp thời xử lý. Hiện bệnh nhân vẫn còn phải thở máy", bác sĩ Sang nói.