Đặt ra nguyên tắc và "giả như" thả cho con được tự do
Không ít bậc cha mẹ than thở rằng, khi con họ bước vào tuổi dậy thì, họ cảm thấy con mình bỗng như trở thành một đứa trẻ xa lạ. Tính khí thất thường, bướng bỉnh, trở nên khó bảo thậm chí là chúng còn làm ngược lại những điều cha mẹ muốn.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài tư vấn Tâm lý tình cảm 1088, để có thể sống hài hòa được với con trẻ trong lứa tuổi vị thành niên, cha mẹ cần phải thiết lập những ranh giới và nguyên tắc rõ ràng, sau đó "giả như" để cho trẻ được tự do. Ví dụ, chị Huyền ở Long Biên đặt ra một nguyên tắc cho mỗi thành viên trong gia đình đó là: Phải dọn dẹp sạch sẽ sau khi tự nấu ăn chẳng hạn. Và đương nhiên con gái chị cũng phải thực hiện theo nguyên tắc này.
Hay một nguyên tắc khác đó là bất cứ ai đi ra khỏi nhà vào buổi tối đều phải về trước 21 giờ tối. Ai về nhà muộn thì phải có trách nhiệm gọi điện về nhà thông báo cho mọi người biết rõ lý do; được sử dụng điện thoại sau khi hoàn thành công việc hoặc bài tập về nhà nhưng sau 22 giờ đêm là phải tắt nguồn… Những nguyên tắc này là áp dụng chung cho cả gia đình và bất cứ thành viên nào cũng phải tuân theo. Và lẽ dĩ nhiên, trong đó đứa con tuổi teen của bạn không ngoại lệ.
Sau khi đặt ra những nguyên tắc và đề ra những ranh giới như vậy, các chuyên gia cũng khuyên các bậc cha mẹ nên dành một không gian cho những đứa con tuổi thanh thiếu niên trong nhà mình, nơi con biết rằng có thể thư giãn và dành thời gian với bạn bè ngay cả khi có bố mẹ ở nhà. Bằng cách đó, bố mẹ sẽ không cảm thấy mình phải "rút lui" vào phòng ngủ của mình và điều đó sẽ tạo ra một bầu không khí thoải mái hơn trong ngôi nhà bạn.
Ảnh minh họa
Bí quyết giúp con sống hạnh phúc
Chuyên gia Nguyễn Diệu Hoa cho rằng, tuổi vị thành niên là lứa tuổi gặp nhiều vấn đề nhất. Nhiều người còn gọi đây là lứa tuổi khủng hoảng. Khủng hoảng về những thay đổi về mặt thể chất, sinh lý; khủng hoảng giữa mong muốn, thực tế và sự hiểu biết… Thế nên, là những bậc làm cha làm mẹ hiểu biết, các bậc phụ huynh nên biết cách giúp con mình sống hạnh phúc. Đó là cách tốt nhất giúp con bạn tránh được những vấn đề tiêu cực trong cuộc sống.
Bố mẹ hãy giúp con hạnh phúc bằng cách cung cấp một mức độ độc lập và tập trung vào các kết nối xã hội Để con có thể có cuộc sống thực sự hạnh phúc, bước đầu tiên là cha mẹ cần phải loại trừ bất kỳ lý do vật lý nào dẫn đến sự bất hạnh, trầm cảm. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần xem lại các tình huống dẫn đến sự bất hạnh khác như: Ly hôn của cha mẹ, thất vọng trong tình yêu tình bạn; thất bại về thi cử học tập…
Sau khi loại trừ được những nguyên nhân trên, bố mẹ có thể giúp con hình dung và nhận thức về hạnh phúc của các con là gì? Điều gì đang khiến cho các con của bạn có được hạnh phúc? Ví dụ: Nếu con bạn chưa bao giờ chơi thể thao cơ hội trở thành đội trưởng của đội bóng đá là không thể. Mặt khác, các bài học nghệ thuật có giúp con bạn tham gia vào một việc gì đó có thể làm được và theo một hướng mới?
Những học sinh trung học có chỉ số hạnh phúc thường là những đứa trẻ tập trung hướng ngoại. Họ tham gia các tổ chức từ thiện, các tổ chức hoạt động ngoại khóa như tổ chức tình nguyện; các hoạt động giúp đỡ người khác và phát triển bản thân.
Ngoài ra một yếu tố vô cùng quan trọng giúp trẻ tuổi vị thành niên có thể sống hạnh phúc đó là chúng có những ông bố bà mẹ tuyệt vời.
Một nghiên cứu ở Mỹ kéo dài trong 7 tháng, phỏng vấn gần 1.300 người tuổi từ 13 đến 24 cho ra một kết quả khá kinh ngạc như sau: Phần lớn thanh thiếu niên tìm thấy hạnh phúc nhất trong gia đình mà bố mẹ là những vị anh hùng trong mắt chúng. Những bậc cha mẹ là những vị anh hùng của con trẻ thanh thiếu niên thường làm những việc như sau:
Họ tham gia vào cuộc sống của con họ. Con không chỉ nói rằng, họ thích cha mẹ chúng mà còn muốn cha mẹ tham gia vào cuộc sống của mình. Đó là dấu hiệu của những đứa trẻ thực sự cảm thấy cha mẹ mình là những vị anh hùng. Để làm được điều này, rất cần sự ứng biến trong kỹ năng ứng xử với những đứa con tuổi vị thành niên.
Nghĩa là cha mẹ tìm cách tham gia vào cuộc sống của những đứa con của mình nhưng lại hoàn toàn có vẻ như không hề xâm chiếm không gian của chúng. Bởi trẻ ở lứa tuổi này cần sự riêng tư. Chúng muốn có thời gian với bạn bè của chúng. Và cha mẹ cần nắm rõ được "bí mật" để tìm tới kho báu hạnh phúc của những đứa con của mình chính là ở chỗ này.
Ngoài ra, việc kết nối với những đứa con của mình và bạn bè của chúng bằng những hoạt động ngoại khóa cũng rất tuyệt vời như: Chơi bóng rổ, yoga, câu lạc bộ sách, tập thể dục, đi bộ hoặc mua sắm. Đây không những là hoạt động tuyệt vời để kết nối bố mẹ và con cái mà còn giúp con bạn giảm bớt những áp lực và căng thẳng của vấn đề học đường. Bởi trường là yếu tố gây căng thẳng lớn nhất cho hầu hết các đứa trẻ tuổi thanh thiếu niên. Thực tế cho thấy, những đứa trẻ của chúng ta bị căng thẳng bởi yếu tố học đường đang ngày càng gia tăng. Do vậy, các bậc cha mẹ cần hết sức để ý và giúp con giảm bớt áp lực này trong cuộc sống của chúng.