Theo báo Tuổi Trẻ, trong bản kết luận điều tra vụ án gian lận thi cử do đại tá Nguyễn Viết Giang, phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang, ký chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh hôm 15/4, còn nhiều nội dung mà dư luận quan tâm vẫn chưa được làm rõ.
Mặc dù cơ quan điều tra đã xác định có 309 bài thi trắc nghiệm các môn đã bị các ông Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương (nguyên trưởng và phó phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Hà Giang) can thiệp để nâng điểm cho 107 thí sinh, nhưng trong kết luận điều tra lại không xác định danh tính phụ huynh nào (được xác định có 210 người) đã tác động nhờ nâng điểm.
Trong cả bản kết luận điều tra dài 17 trang, phụ huynh "kém may mắn" duy nhất bị nêu danh tính đầy đủ lại chính là ông Phạm Văn Khuông, khi xảy ra vụ án đang là phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh và sau đó cũng bị khởi tố trong vụ án này. Con ông Khuông bị giảm tới 13,3 điểm sau khi chấm thẩm định.
Các phụ huynh còn lại chỉ được nhắc đến "đang làm việc trong các cơ quan, ban ngành sự nghiệp, đơn vị kinh doanh và làm nghề nông nghiệp, kinh doanh, lao động tự do... tại tỉnh Hà Giang và tỉnh khác".
Được biết quá trình điều tra vụ án, Công an tỉnh Hà Giang có thu giữ được tại nhà ông Nguyễn Thanh Hoài một mẩu giấy khổ 10x9cm, trên giấy có ghi "P.T.H.Tr. (xin phép viết tắt tên thí sinh - PV), SBD: 070389; P: 17; HĐT Hùng An (Lão phật gia nhờ)".
Nội dung này được hiểu là thí sinh H.Tr. có số báo danh, phòng thi như trên tại hội đồng thi Trường THPT Hùng An (tại huyện Bắc Quang, Hà Giang), người nhắn "nhờ vả" ông Hoài có biệt danh là "lão phật gia". Tuy nhiên, "lão phật gia" là ai thì không được cơ quan công an làm rõ trong kết luận điều tra.
Theo dự kiến, giữa tháng 7/2019 tới, TAND tỉnh Hà Giang sẽ mở phiên sơ thẩm xét xử năm bị can trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia, từng gây chấn động dư luận cả nước, PLO đưa tin.
Những người này gồm: Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) và Vũ Trọng Lương (cựu phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục) bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, quy định tại điểm a khoản 2 Điều 356 BLHS.
Phạm Văn Khuông (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) và Lê Thị Dung (cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang) bị truy tố về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 366 BLHS.
Triệu Thị Chính (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 358 BLHS.
Trong quá trình điều tra, dù đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định pháp luật cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Giang vẫn không thể thu thập được chứng cứ để chứng minh có yếu tố vụ lợi trong vụ án.
Cơ quan công an cũng đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không gia đình nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm. Cùng với đó, cả hai bị can Hoài và Lương cũng không thừa nhận được hưởng lợi ích vật chất gì, mà chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè và người thân.
Đáng chú ý, trong số năm bị can, Triệu Thị Chính – cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT là người duy nhất không thừa nhạn hành vi phạm tội của mình. Do vậy, bà Chính không được áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo.
Bản cáo trạng của VKSND tỉnh Hà Giang nhận định hành vi của các bị can không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà về lâu dài sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém, tác động đến đạo đức xã hội, không còn sự công bằng…