Mới đây ông Trương Văn Minh (quê Hà Nội ngụ TP.HCM) đã có đơn thư gửi đến Sở Y tế, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM yêu cầu thanh tra toàn bộ quá trình mổ của vợ ông là bà Nguyễn Thị Ngọc Kim (61 tuổi) tại Bệnh viện Pháp – Việt, tức Bệnh viện FV, số 6, Nguyễn Lương bằng, Q.7, TP.HCM).
Theo trình bày của ông Minh, vào khoảng 19h30 tối 11/6, ông đưa vợ mình là bà Kim đến thăm khám tại bệnh viện FV trong tình trạng bệnh nhân bị đau tức vùng bụng. Sau khi nhập viện, các bác sĩ tại đây xác định bà Kim bị viêm ruột thừa cấp và đề xuất phương pháp mổ nội soi.
Khoảng 5 tiếng sau, bà Kim được đưa vào phòng mổ theo đề xuất của bệnh viện. Bác sĩ thực hiện là ông Trần Sĩ Doãn Điềm - Chuyên Khoa Phẫu thuật tổng quát Lồng ngực và Mạch máu - Khoa ngoại bệnh viện FV.
“Sau ca mổ, ông Điền cho biết trong quá trình thực hiện thủ thuật đưa trocar vào ổ bụng đã làm rách đại tràng ngang, nhưng do đại tràng bệnh nhân sạch nên khâu lại luôn không rửa ổ bụng; ruột thừa viêm có mủ và dịch thẩm thấu ra ổ bụng nên rửa ổ bụng vùng này bằng dung dịch NACL và đặt dẫn vùng lưu này”, ông Minh cho hay.
Người nhà bệnh nhân cho rằng việc bệnh viện FV chuẩn đoán bệnh không chính xác bệnh khi cấp cứu đã gây biến chứng cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, đến ngày 13/6, bà Kim vẫn bị những cơn đau hành hạ, thậm chí với tuần suất cao hơn, dịch từ vết mổ vẫn liên tục chảy ra. Ông Minh yêu cầu bệnh viện FV siêu âm lại cho vợ mình để kiểm tra tình trạng dịch trong ổ bụng. Lúc này bác sĩ đọc hồ sơ thì bà Kim và người nhà mới tá hỏa khi hay tin rằng bà bị viêm phúc mạc ruột thừa khu trú tại hố chậu phải chứ không phải bị viêm ruột thừa cấp như kết luận ban đầu của bệnh viện FV.
Sau 7 ngày điều trị, gia đình ông Minh đã yêu cầu bệnh viện FV chụp CT lại cho bà Kim trước khi xuất viện theo kế hoạch thì nhận kết quả có một ổ dịch trong bụng tại vùng vết mổ quanh rốn (vết mổ dài khoảng 6 cm). Trong những ngày sau đó bà Kim vẫn liên tục bị đau ở vùng bụng và dịch từ vết mổ vẫn chảy.
Cũng theo ông Minh, trong những ngày điều trị các bác sĩ tại bệnh viện FV liên tục truyền kháng sinh và rửa vết thương 2 lần/ngày nên bà Kim phải liên tiếp hứng chịu những cơn đau.
“Chúng tôi sau đó không dám cho bà ấy (nữ bệnh nhân – PV) uống thuốc giảm đau theo hướng dẫn của các bác sĩ tại bệnh viện FV nữa vì sợ rằng điều này sẽ che lấp đi các triệu chứng nhiễm trùng khác.
Rõ ràng là bệnh viện FV đã thực hiện mổ cấp cứu không kịp thời dẫn đến viêm phúc mạc vùng hố chậu cho vợ tôi. Hơn thế nữa, mổ ruột thừa là mổ cấp cứu chứ không phải mổ chuẩn bị nên khi rách đại tràng mà chỉ khâu lại vết rách, không rửa ổ bụng sẽ có nguy cơ cao nhiễm trùng và viêm phúc mạc toàn ổ bụng”, ông Minh bức xúc nói.
Sau ca mổ nữ bệnh nhân Kim gặp nhiều biến chứng nhưng bệnh viện FV chối bỏ trách nhiệm?
Trước sự việc trên, trong 2 ngày 12/6 và 19/6 gia đình ông Minh đã có cuộc gặp với ban Giám đốc bệnh viện FV. Thế nhưng, theo ông Minh thay vì tiếp nhận phản ánh và cố gắng điều trị một cách tốt nhất cho bệnh nhân thì bệnh viện FV lại chối bỏ trách nhiệm.
“Giám đốc Y khoa người Pháp của bệnh viện FV đã thừa nhận việc làm rách đại tràng là một tai nạn Y khoa nhưng họ không thừa nhận trách nhiệm vì gây ra sự cố trên cho người bệnh. Họ chỉ trả lời chung chung, vòng vèo, không nhận trách nhiệm về việc gây rách đại tràng, viêm phúc mạc khu trú ở ổ chậu phải và ổ nhiễm trùng sau mổ cho vợ tôi. Đến ngày 22/6, bệnh viện còn có chủ trương cho vợ tôi xuất viện, chắc họ muốn chối bỏ trách nhiệm nên mới làm vậy”, ông Minh gay gắt nói.
Không những vậy, trong các cuộc họp với lãnh đạo bệnh viện FV, ông Minh và gia đình cũng không nhận được một biên bản nào chính thức. Nhiều giấy tờ liên quan đến quá trình mổ của bà Kim mà gia đình yêu cầu bệnh viện cung cấp cũng không được chấp thuận giải quyết.
Sau khi tình trạng bệnh của bà Kim có dấu hiệu nặng lên, ông Minh đã chuyển bà đến một bệnh viện khác để diều trị. Hiện tại bà Kim đã xuất viện về nhà nhưng vẫn thường xuyên bị những cơn đau hành hạ.
Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.