Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:46
RSS

Bệnh viện địa phương chẩn đoán nhầm, bé gái 3 tuổi bị đột quỵ nhồi máu não suýt mất mạng

Thứ hai, 23/12/2019, 15:11 (GMT+7)

Bệnh viện địa phương chẩn đoán nhầm bị viêm màng não, bé gái 3 tuổi bị đột quỵ nhồi máu não suýt mất mạng.

Bệnh viện địa phương chẩn đoán nhầm, bé gái 3 tuổi bị đột quỵ nhồi máu não suýt mất mạng

Bé N.H.K. bị đột quỵ nhồi máu não. Ảnh: BPN

Ngày 23/12, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết đang điều trị một trường hợp trẻ chỉ 3 tuổi bị đột quỵ nhồi máu não. Đó là trường hợp của bé N.H.K. (3 tuổi, ngụ An Giang).

Bệnh viện địa phương chẩn đoán bé N.H.K. bị viêm màng não và chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vào ngày 30/11/2019. Tuy nhiên, tại đây, sau khi làm xét nghiệm và chụp CT khẩn, các bác sĩ chẩn đoán K. bị đột quỵ não do khối máu đông làm tắc mạch máu não, gây nhồi máu não. Bệnh nhi lúc này đã lơ mơ, tiên lượng rất xấu.

Các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh đã khẩn trương hội chẩn và tiến hành can thiệp lấy huyết khối bằng đường động mạch dưới DSA. Sau 2 giờ can thiệp, động mạch bị tắc của bé đã được tái thông hoàn toàn. Hiện bé K. đã tỉnh táo, nửa người bên phải đang dần hồi phục, có thể tự ăn uống và xuất viện trong nay mai.

Bác sĩ Nguyễn Duy Khải - Trưởng khoa Ngoại Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - cho biết trên báo Phụ nữ, đột quỵ não tuy thường gặp ở người lớn nhưng vẫn xuất hiện ở trẻ em, dù ít hơn.

Ở trẻ em, đột quỵ nhồi máu não gây nguy cơ tử vong rất cao. Để điều trị đột quỵ nhồi máu não, cần phải phát hiện bệnh lý sớm và được can thiệp kịp thời mới có khả năng cứu sống bệnh nhi.

Tuy nhiên, khi trẻ bị đột quỵ não, ngay cả bác sĩ cũng dễ chẩn đoán sai do nhầm với các bệnh lý khác. Điều này khiến tình trạng của bệnh nhi trở nên nặng hơn, khó cứu sống hơn.

Ekip can thiệp mạch não gồm ThS.BS Nguyễn Duy Khải (Trưởng khoa Ngoại Thần Kinh) và BS Huỳnh Hữu Danh cho biết, kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối bằng chụp mạch máu não số hóa xóa nền DSA là kỹ thuật chuyên sâu về đột quỵ não, có thể cứu sống tính mạng bệnh nhân đột quỵ não nặng trong gang tấc. Với kỹ thuật này, trẻ bị tắc mạch não được can thiệp nhẹ nhàng, không cần mổ.

Ở trẻ em, đột quỵ tương đối hiếm, chỉ chiếm 2,5/100.000 trường hợp. Nguyên nhân thường gặp nhất là các bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não và khoảng 1/3 trẻ em bị đột quỵ không tìm thấy nguyên nhân.

Thiên Thanh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN