Sau mưa, lũ, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, chất thải,… hòa vào dòng nước là nguy cơ và mầm mống tạo ra dịch bệnh với con người. Nước bị ô nhiễm nặng nề, mất đi nguồn điện và nước sạch, lương thực thực phẩm không đủ để cung cấp cho người dân, ăn mì tôm sống, nước không đun sôi... dẫn đến bệnh tiêu chảy ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Nguyên nhân bệnh tiêu chảy (Ảnh minh họa)
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ: Khoảng 88% trường hợp tử vong liên quan đến tiêu chảy là do nước không an toàn, vệ sinh không đầy đủ và không đủ vệ sinh. Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp và gây ra khoảng 40% nhập viện vì tiêu chảy ở trẻ dưới 5 tuổi.
Ngoài nguyên nhân chính là rotavirus, bệnh tiêu chảy cũng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân phổ biến khác như: nhiễm khuẩn đường ruột, vệ sinh kém, rối loạn vi sinh đường ruột, không hấp thu đường, ngộ độc thực phẩm, hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng,..
Bệnh tiêu chảy rất dễ lây nhiễm và bùng phát thành dịch, tuy nhiên Bộ Y tế khuyến cáo những người có nguy cơ cao dễ mắc tiêu chảy bao gồm:
Những người ăn uống và sống gần với người bị tiêu chảy dễ mắc bệnh nếu không áp dụng các biện pháp phòng bệnh;
Dân cư tại những khu vực sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, đổ thẳng phân ra cống, mương, ao, hồ, sông, suối…;
Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm;
Có tập quán ăn uống không hợp vệ sinh, hay ăn rau sống, thủy hải sản chưa nấu chín kỹ;
Sử dụng phân tươi hoặc phân chưa được xử lý đảm bảo vệ sinh trong trồng trọt;
Dân cư tại khu vực bị ngập lụt và sau ngập lụt…
Dấu hiệu và triệu trứng bệnh tiêu chảy (Ảnh minh họa)
Bệnh tiêu chảy là một rối loạn tiêu hóa phổ biến, mỗi người có thể gặp phải ít nhất vài lần mỗi năm. Tuy nhiên nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, người bệnh cần điều trị sớm nếu xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy:
Đầy bụng, sôi bụng;
Tiêu chảy liên tục, nhiều lần, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước (trong trường hợp bị bệnh tả: phân toàn nước đục như nước vo gạo);
Nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt;
Người mệt lả, có thể bị chuột rút, biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như: khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được huyết áp, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh… và có thể dẫn đến tử vong.
Đối với tiêu chảy nhẹ, việc điều trị thường chỉ là bồi hoàn lại đủ số dịch bị mất. Điều này có nghĩa bạn cần phải uống nhiều nước, hoặc uống các thức uống có chứa chất điện giải. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn có thể cần phải đến bệnh viện để truyền nước vào cơ thể qua đường tĩnh mạch. Nếu bạn bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc kháng sinh.
Bác sĩ hoặc dược sĩ có thể cho bạn uống một loại dung dịch bù nước, đây là loại nước uống được pha chế đặc biệt để ngăn ngừa hoặc điều trị mất nước, đặc biệt là do tiêu chảy. Dung dịch này có thể cung cấp đường, muối và các khoáng chất quan trọng khác đã bị mất trong quá trình tiêu chảy. Dung dịch bù nước đường uống thích hợp cho cả trẻ em và người lớn, có bán tại các hiệu thuốc trên toàn quốc.