Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:31
RSS

Bé trai 9 tuổi bị lồi nhãn cầu mắt trái do ngã vào tay cầm xe đạp

Thứ sáu, 28/08/2020, 09:55 (GMT+7)

Trong lúc đang chạy xe đạp, bé bị vướng vào chiếc xe rùa làm bé té, mặt đập vào tay cầm xe đạp ở vùng mắt dẫn đến nhãn cầu trái bị lồi ra.

Sự kiện:
Tai nạn

Bé trai 9 tuổi bị lồi nhãn cầu mắt trái do bị ngã vào tay cầm xe đạp

Bé trai bị lồi nhãn cầu mắt trái do tai nạn được phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện nhi đồng 1

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhi 9 tuổi ở Cà Mau chuyển đến trong tình trạng chấn thương mắt trái lồi nhãn cầu, theo dõi chấn thương sọ não. Khai thác bệnh sử bệnh nhi được biết,  trong lúc đang chạy xe đạp bé bị vướng vào chiếc xe rùa (một loại xe cút kít có kích thước nhỏ để vận chuyển bằng tay) làm bé té, mặt đập vào tay cầm xe đạp ở vùng mắt dẫn đến nhãn cầu trái bị lồi ra.

Tại thời điểm nhập viện, trong phòng cấp cứu, các bác sĩ nhận thấy sinh hiệu bé ổn định, mắt trái bệnh nhi bị lồi nhãn cầu đựơc bảo vệ bằng gạc ẩm vô trùng. Sau khi làm tất cả các xét nghiệm đánh giá, trên hình ảnh CT-scan cho thấy bệnh nhi bị tổn thương nhẹ xương hốc mắt và màng cứng não nhưng lại đẩy lồi mắt trái ra ngoài.

Cuộc hội chẩn toàn bệnh viện diễn ra ngay sau đó và các bác sĩ quyết định phẫu thuật đưa nhãn cầu trái vào lại bên trong mắt. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ quan sát thấy cấu trúc ở ổ mắt xiết chặt lại, đẩy lồi mắt trái bệnh nhi ra ngoài và không thể tụt trở vào. 

Phẫu thuật viên phải cắt mở rộng, giải bỏ tình trạng cản trở do bị xiết phía sau, đưa nhãn cầu trở vào vị trí bên trong và khâu che, giữ mắt tạm thời trong khi chờ thương tổn lành lại. Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhi ổn định, nhãn cầu mắt trái đã đưa về trong. Bệnh nhi ăn uống tốt, đang tiếp tục được theo dõi tại phòng bệnh nhân nặng sau mổ.

Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh bên luôn chú ý hướng dẫn trẻ chơi an toàn, khi sử dụng các phương tiện giao thông như xe đạp hay ngồi xe máy với ba mẹ nên hướng dẫn trẻ biết bảo vệ cơ thể nhất là vùng đầu mặt. 

Trong trường hợp chẳng may xảy ra những tai nạn đáng tiếc như trên, hãy bình tĩnh không nên cố gắng đẩy nhãn cầu vào lại, tốt nhất dùng gạc ẩm vô trùng bảo vệ vùng mắt tổn thương và đưa đến ngay trạm y tế gần nhất để được xử lý vết thương và điều trị kịp thời.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN