Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:11
RSS

Bé trai 3 tuổi bị hoại tử do mắc kẹt pin điện tử trong mũi

Thứ bảy, 09/07/2022, 09:58 (GMT+7)

Người nhà phát hiện bé trai bị chảy nước mũi, hôi mũi nên đưa đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện có pin điện tử trong mũi.

Theo Báo Sức khoẻ & Đời sống, ngày 8/7, thông tin từ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, đơn vị này mới đây đã điều trị thành công cho một bệnh nhi 3 tuổi (ngụ TP.HCM) bị mắc kẹt pin điện tử trong mũi.

Khai thác bệnh sử, gia đình bé cho biết do ba mẹ bận việc, không để ý nên bé tự gỡ pin trong đèn trang trí điện tử chơi. Sau đó, bé có khụt khịt mũi, ba bé có thấy vật thể lạ trong mũi. Tuy nhiên, do bé không đau, không quấy khóc nên gia đình không đưa đến bệnh viện. Đến khi mũi bé có biểu hiện sưng, nước mũi có mùi hôi gia đình liền đưa đến Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM.

Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện có pin điện tử trong mũi bệnh nhi. Sau khi lấy dị vật ra, nội soi phát hiện vách ngăn mũi đọng máu, hoại tử, phù nề sung huyết. Bệnh nhi được phẫu thuật nội soi lấy mô hoại tử và bơm rửa mũi. Sau 4 ngày nằm viện theo dõi, điều trị nội khoa và bơm rửa mũi hàng ngày, hiện mũi bệnh nhi giảm đau, khô, giảm phù nề, không chảy máu và được xuất viện.

Bé trai 3 tuổi bị hoại tử do mắc kẹt pin điện tử trong mũi

Bé trai cùng ekip bác sĩ điều trị trong ngày xuất viện. Ảnh: Báo Người lao động

Chia sẻ trên Báo Người lao động, TS.BS Nguyễn Thanh Vinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng cho biết năm 2021, bệnh viện tiếp nhận hơn 600 bệnh nhân dị vật mũi. Tuy nhiên, 3 tháng gần đây, số ca tăng với 165 trường hợp, trong đó một số trường hợp dị vật pin điện tử.

Theo bác sĩ Vinh, dị vật mũi hay gặp ở trẻ 2-5 tuổi, do trẻ nghịch ngợm nhét những đồ chơi nhỏ, hạt thức ăn, pin điện tử... Bác sĩ Vinh khuyến cáo ngay khi nghi ngờ có dị vật mũi với các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy máu mũi, chảy mũi hôi một bên phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay.

Trong trường hợp phát hiện bé nhét dị vật, phụ huynh không cố lấy vì dễ làm trôi ngược vào trong gây nguy hiểm. Nếu dị vật thấp thoáng cửa mũi, nhìn thấy rõ thì có thể bịt một mũi đối diện, khuyên bé xì mạnh để tống dị vật. Nếu thực hiện 1-2 lần không thành công, nên đưa trẻ vào viện ngay. Phụ huynh cần bình tĩnh, không làm bệnh nhi hốt hoảng vì có thể tăng lực hô hấp, gây thở dồn dập, hít sâu vô tình đưa dị vật vào bên trong.

Trong khi đó, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tường Đức - Phó trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cũng cho Báo VOV biết, pin điện tử khi gặp môi trường mũi sẽ phản ứng hóa học, hủy hoại các niêm mạc ngay lập tức. Dù trẻ được phát hiện gắp ra sớm, chưa thấy rõ tổn thương thì vẫn cần nhập viện theo dõi, rửa mũi, vì nguy cơ hoại tử mũi sau đó rất cao.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại