Sốt xuất huyết là loại bệnh rất ít gặp ở trẻ sơ sinh. Ảnh minh họa
Báo Dân trí thông tin, qua quá trình thăm khám và theo dõi điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội các bác sĩ nhận thấy trẻ bú được, phổi thông khí tốt, tim đều, không có ban trên da. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy tình trạng giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu (102 G/l)…Bên cạnh đó, trẻ có tình trạng rối loạn đông máu.
Các bác sĩ tiếp tục tiến hành tìm các ổ nhiễm trùng thường gặp theo lứa tuổi của trẻ. Đến ngày thứ 3 của bệnh, trẻ còn sốt 38 độ C. Kết quả test nhanh Dengue NS1, IgM dương tính.
Ngày thứ 5 của bệnh, trên da trẻ có vài chấm xuất huyết vùng cẳng chân 2 bên, tiểu cầu 11 G/L, siêu âm có dịch ổ bụng...
Trẻ được truyền dịch, tiêm vitamin K, dùng kháng sinh dự phòng, theo dõi sát cân bằng dịch vào ra. Sau 6 ngày, trẻ đã cắt sốt, không xuất hiện các triệu chứng xuất huyết nặng trên lâm sàng.
Sau 11 ngày, số lượng tiểu cầu tăng lên 100 G/l, rối loạn đông máu trở về giá trị bình thường, hết tràn dịch ổ bụng và tràn dịch màng phổi. Hiện trẻ đã được xuất viện.
Thời điểm cuối năm 2022, báo Thanh niên đưa tin, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng tiếp nhận 3 trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết nhập viện. Các bệnh nhi là bé trai 16 ngày tuổi, hai bé gái 4 ngày tuổi và 7 ngày tuổi. Các em bé đều ở Q.Long Biên, Hà Nội.
Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền, một số trường hợp rất hiếm lây từ mẹ sang con và vẫn cần theo dõi thêm để nghiên cứu sâu hơn. Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết vẫn chủ yếu là diệt muỗi, bọ gậy, ngăn ngừa muỗi đốt truyền bệnh.
Những việc tuyệt đối không nên làm khi trẻ bị sốt xuất huyết
- Không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu.
- Tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh.
- Tuyệt đối không dùng nhóm thuốc hạ sốt ibuprofen hoặc aspirin để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
- Không tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng vì bệnh này do virus gây ra. Dùng kháng sinh không những không hiệu quả mà còn làm nặng thêm tình trạng gan, thận.
- Tuyệt đối không đưa trẻ đi truyền dịch ở những cơ sở y tế không đảm bảo, các phòng khám tư nhân không đủ điều kiện làm thủ thuật.