Đang chơi cùng con trai 8 tháng tuổi trong nhà, bà mẹ ở Cần Thơ thấy con bọ cánh cam nên tìm cách đuổi đi.
Không ngờ con côn trùng này lại bay tới đậu ở tay người con. Bé trai này liền giơ tay lên và dùng miệng để nuốt con bọ.
Con bọ cánh cam nằm trong khí quản bé trai
Lúc này, con bọ cánh cam bay vào miệng bé trai. Thấy con ho sặc sụa, người mẹ cuống cuồng dùng tay mình cho vào miệng con để cố móc con côn trùng ra ngoài.
Tuy nhiên, chỉ lấy ra được 1 phần, xác con bọ sau đó chui sâu vào khí quản, xuống tới carina - nơi khí quản chia làm 2 nhánh, khiến bé trai bị ho, tím tái, có dấu hiệu suy hô hấp.
Thấy vậy, người nhà mới tìm cách vỗ lưng cho bé nhưng không tác dụng nên đưa tới viện thăm khám.
Trước tình hình nguy kịch, các bác sĩ ở bệnh viện Cần Thơ đã phải đặt ống nội khí quản và nhanh chóng chuyển lên BV Nhi Đồng 1.
BS Nguyễn Phan Nguyên - trực tiếp điều trị cho bệnh nhi nói rằng do con bọ cánh cứng nằm trong khí quản 8 tiếng, và đã tiết ra chất làm bẩn (1 chất axít) khiến lớp niêm mạc bị bỏng, phù nề, bẩn.
Các bác sĩ đã mất nhiều giờ đồng hồ để tiến hành gắp xác con côn trùng dài chừng 1,5 - 2 cm ra ngoài.
Hiện bé đang được điều trị nội khoa, uống kháng sinh để phổi ổn hơn.
Còn theo BS Nguyễn Thế Huy - Phó Khoa Tai Mũi họng, trong hơn 30 năm công tác thì đây mới là lần đầu tiên gặp trường hợp như của bé trai 8 tháng.
Triệu chứng đầu tiên nếu dị vật rơi vào miệng trẻ chính là ho sặc sụa, sau đó bé sẽ bị tím tái, có những cơn khó thở rất rõ.
Cách xử trí sai cách của cha mẹ có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm
Dị vật khi rơi vào miệng trẻ đều phải qua thanh môn rồi mới xuống được khí quản.
Khi dị vật đụng tới thanh môn thì thanh môn sẽ đóng lại khiến bé ngạt thở. Ngay lúc đó phải tạo ra áp lực dưới phổi bằng cách ấn vùng thượng vị để thanh môn bung ra, tống dị vật ra ngoài.
Nếu lọt xuống phổi thì bé vẫn thở bình thường nhưng thở khó khăn hơn, nên có những trường hợp dị vật bị bỏ quên từ 3 - 6 tháng.