Chủ nhật, 19/01/2025 | 05:52
RSS

Bát phở đêm giao thừa của bác sĩ 20 năm gắn bó với bệnh nhân nghiện ma tuý

Thứ hai, 04/02/2019, 15:00 (GMT+7)

“Bát phở đêm hôm đó rất ngon. Khi tôi ăn hết bát phở cũng là lúc đồng hồ điểm 00h – thời khắc giao thừa”, BS.Nguyễn Ngọc Hưng kể.

Bác sĩ hơn 20 năm gắn bó với bệnh nhân HIV/AIDS
Bác sĩ hơn 20 năm gắn bó với bệnh nhân HIV/AIDS

6 cái Tết ở nhà nhưng không trọn vẹn

Đến Bệnh viện 09 (Hà Nội) vào những ngày cuối năm Mậu Tuất nơi chuyên điều trị cho những bệnh nhân có cuộc sống phức tạp, từ người nghiện chích ma túy, gái bán dâm, hoặc người bị gia đình bỏ rơi khi phát hiện bị nhiễm HIV.

Nơi đây cũng chính là nơi công tác của 186 cán bộ nhân viên gồm bác sĩ, điều dưỡng… với khoảng 100 giường bệnh.

Trò chuyện với chúng tôi bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng – Trưởng Khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện 09 (Hà Nội), người đã gắn bó suốt 20 năm qua tại nơi này tâm sự: Suốt những năm tháng công tác ở đây, bác sĩ Hưng được đón khoảng 6 cái Tết ở nhà. Tuy nhiên, cả 6 cái Tết đó đều không được trọn, vẹn bên gia đình.

Cầm chén trà nóng, khói bay nghi ngút, bác sĩ Hưng bộc bạch: “Một đêm ở đây có 100 đối tượng nghiện ma túy cắt cơn giải độc, chúng tôi phải thay nhau đổi trực. Hơn nữa, ngày đó thuê xe về quê cũng khó, có thể mùng 1 Tết về quê, mùng 2 lại phải lên Hà Nội làm việc. Vì lẽ đó mà tôi không được về ăn Tết. Tết thường là dịp gia đình dành trọn thời gian bên nhau nhất là các con. Nhưng với tôi không được như thế. Những đứa con của tôi chỉ ở trong nhà, hoặc sang hàng xóm, tranh thủ đi chơi nhà hai bên nội ngoại là hết Tết”.

Theo bác sĩ Hưng, Tết năm ngoái bác sĩ cũng không về quê, thời gian nghỉ tết bắt đầu từ mùng 2 tháng Giêng Âm lịch. Trước lúc giao thừa, bác sĩ Hưng một mình đi xe ra ngã ba Văn Điển (huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội) ăn phở đêm.

“Bát phở đêm hôm đó rất ngon. Khi tôi ăn hết bát phở cũng là lúc đồng hồ điểm 00h – thời khắc giao thừa, năm mới đã sang. Sau đó, tôi đi dọc bờ sông Hồng. Đây cũng là lúc tôi cảm nhận cuộc sống trong đêm giao thừa của những người ở ven sông, và cảm nhận mình sung sướng hơn nhiều người khác. Đêm giao thừa năm ngoái có lẽ là kỷ niệm không quên của tôi”, bác sĩ Hưng hồ hởi nói.

Nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ, bác sĩ Hưng cho biết, sau khi tốt nghiệp ngành y, bác sĩ về công tác tại quê hương Ninh Bình. Tuy nhiên, với những mơ ước và hoài bão được chinh phục, cống hiến vươn ra thành phố lớn, bác sĩ đã quyết tâm ra Hà Nội xin việc.

Nơi lựa chọn ban đầu của bác sĩ Hưng là những bệnh viện lớn tuyến Trung ương. Nhưng cơ duyên đã đưa đẩy người bác sĩ trẻ ấy đến với Bệnh viện 09 mà ngày đó gọi là Trung tâm giáo dục lao động xã hội (Trung tâm 06) hay Trung tâm Cai nghiện ma túy tự nguyện.

‘Tôi chưa bao giờ ân hận về sự lựa chọn của mình’

Bệnh viện 09 không chỉ là nơi để bác sĩ Hưng cống hiến cho công việc mà đây cũng chính là nơi vị bác sĩ này đã tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình để xây đắp tổ ấm.

Ma túy là vấn đề gai góc, môi trường nghề nguy hiểm. Nhưng lúc đó, bác sĩ Hưng chỉ suy nghĩ đơn giản là có một công việc tốt để làm mà chưa có khái niệm vào môi trường nguy hiểm như vậy.

Bác sĩ Hưng chia sẻ về nghề với PV
Bác sĩ Hưng chia sẻ về nghề với PV

Thời gian cứ thế trôi đi, thấm thoát đã hơn 20 năm, BS.Hưng gắn bó với nơi đây và ông coi đó như ngôi nhà thứ 2 của mình. Ở đây, ông cũng chứng kiến nhiều bác sĩ xuất thân Hà thành đến để thử sức nhưng được một thời gian lại ra đi không trở lại, bác sĩ ngoại tỉnh cũng chỉ xem bệnh viện này là “chốn tạm” trong lúc tìm con đường khác.

Suốt 20 năm qua, bác sĩ Hưng chỉ tiếp xúc với những người nghiện ma túy và bệnh nhân HIV/AIDS. Môi trường ấy, bệnh gì cũng có vì bệnh nhân suy giảm hoàn toàn miễn dịch các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Có những bệnh nơi khác không có nhưng nơi này có, có bệnh từ các châu lục khác cũng được người bệnh đưa vào đây. Hơn nữa, đa số bệnh nhân có rối loạn tâm thần, lệch chuẩn hành vi, đảo ngược nhịp sinh học, đó là chưa kể virus HIV phá hủy tế bào.

“Tôi chưa bao giờ ân hận về sự lựa chọn của mình, mặc dù có giây phút nào đó tôi chạnh lòng. Hơn 20 năm ở đây mối quan hệ của tôi chỉ thể hiện trong sân bệnh viện”, bác sĩ Hưng trải lòng.

Dù nơi đây có sự kỳ thị của xã hội về sự lạc quan, thiết tha sống…nhưng vị bác sĩ này vẫn cảm thấy vui. Những người đó họ đang từ lầm đường lạc lối và chính các bác sĩ ở đây đã giúp họ quay trở lại con đường chân lý, c để đi, điều đó đáng tự hào. 

“Có những con người sống cả cuộc đời nhiều bằng khen, thành tích nhưng chưa chắc đã giúp được một người đang từ sai lầm trở thành một người bình thường. Bằng khen lớn nhất của tôi là tự mình lên dây cót cho mình, tự mình cảm nhận niềm vui riêng tư cho mình. Dù ở đây có thể thiệt thòi nhiều mặt nhưng bản lĩnh khi ra ngoài xã hội sẽ cứng cáp hơn rất nhiều người”, bác sĩ Hưng chia sẻ.

Trong rất nhiều những khó khăn, thử thách của cuộc sống, bác sĩ Hưng không bao giờ quên câu nói, cũng là câu anh đã từng nói với vợ con: “Người ta sống được thì mình cũng sống được. Thậm chí có những người trí tuệ không bằng mình, không được học hành như mình, sinh ra trong gia đình không bằng mình nhưng họ vẫn vươn lên và sống tốt thì mình cũng làm được”. Đó cũng là kim chỉ nam theo anh trong nhiều năm tháng.

Chia sẻ về gia đình nhỏ, bác sĩ Hưng chỉ nói: “Có những lúc 2 con của tôi mặc cảm về công việc mà tôi và bà xã đang làm. Thậm chí chúng còn hỏi, vì sao bố mẹ không làm ở những bệnh viện lớn mà lại đi chữa trị cho bệnh nhân HIV, AIDS?”.

Câu nói đó của các con khiến vị bác sĩ có chút chạnh lòng. Tuy nhiên, sau nhiều năm vất vả, giáo dục cho các con hiểu rõ công việc mà vợ chồng ông đang làm thì chính bản thân bác sĩ cũng cảm thấy tự hào.

“Tôi không thể thay đổi hành vi của con trong ngày 1 ngày 2 nhưng lớn lên các con đủ trưởng thành, đủ va chạm xã hội thì tôi sẽ nói với chúng rằng, điều con hỏi ngày trước giờ bố mới trả lời hết được”, vị bác sĩ này cho hay.

Chia tay bác sĩ Hưng và Bệnh viện 09 trở về, trong lòng tôi vẫn vấn vương bởi những chia sẻ của vị bác sĩ này đã tận tâm gắn bó với các bệnh nhân mang những căn bệnh ‘đặc biệt’. Hy vọng, đây sẽ là nơi giúp họ xóa tan mặc cảm, tự ti với bản thân sẽ đứng lên quay trở lại con đường chân lý đúng như những gì vị bác sĩ này chia sẻ.

 

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN