Thứ năm, 28/03/2024 | 21:39
RSS

Bất ngờ tình tiết con đẻ chối bay nhưng bố lại khai ngược lại ở vụ Nhật Cường

Thứ tư, 27/01/2021, 06:55 (GMT+7)

Để đưa hàng hóa trái phép về Việt Nam, Công ty Nhật Cường đã thuê các đường dây vận chuyển và từ đó, hàng chục nghìn sản phẩm được nhập lậu về Việt Nam.

Đường dây có ký hiệu SH

Từ ngày 4/1/2016 đến ngày 13/11/2017, Bùi Quang Huy và đồng phạm đã giao dịch mua của 10 nhà cung cấp Anh Hung HP, Công ty Miền Tây, Chị Linh – CHT, Anh Mai – Hải Phòng, Công ty Unitech, Anh Tuấn SG (Megaa Deal), Anh Tiến (Lokchun), Chị Sa RS (Công ty RCS), Công ty Rix, Công ty Sunbai 322 đơn hàng, với hơn 40 nghìn sản phẩm.

Tổng trị giá của 322 đơn hàng trên là 549 tỷ đồng, hoàn toàn không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Số hàng hóa này cũng không được khai báo, làm thủ tục nhập khẩu theo quy định.

Bất ngờ tình tiết con đẻ chối bay nhưng bố lại khai ngược lại ở vụ Nhật Cường

Bùi Quang Huy - Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường đã thuê các đường dây vận chuyển để vận chuyển trái phép hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam trong đó có đường dây ký hiệu SH.

Để đưa hàng hóa về Việt Nam tiêu thụ, Bùi Quang Huy trực tiếp cùng với Trần Ngọc Ánh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường trao đổi, thống nhất thuê đường dây vận chuyển ký hiệu SH, vận chuyển trái phép hàng hóa từ Hồng Kông về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường.

Kết quả điều tra xác định, đường dây vận chuyển ký hiệu SH do Nguyễn Bảo Trung (SN 1988, phường Phương Mai, Đống Đa, TP.Hà Nội) trực tiếp trao đổi, giao dịch với Bùi Quang Huy và Trần Ngọc Ánh để nhận, tổ chức vận chuyển trái phép hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam.

Để đưa hàng hóa trái phép về Việt Nam, Trung thành lập các doanh nghiệp nhưng thực chất không hoạt động, trong đó có Công ty TNHH Phạm Nguyên Kim, với mục đích sử dụng pháp nhân để mở tờ khai hải quan nhập khẩu. Tuy nhiên, chúng lại khai báo hải quan là hàng hóa khác, có thuế nhập khẩu thấp.

Bất ngờ tình tiết con đẻ chối bay nhưng bố lại khai ngược lại ở vụ Nhật Cường

Qua đường dây vận chuyển ký hiệu SH này, Công ty Nhật Cường đã nhập 322 đơn hàng với hơn 40 nghìn sản phẩm.

Sau khi hàng hóa được thông quan, Trung thuê, đưa hồ sơ đã được thông quan cho anh Nguyễn Văn Tý (SN 1977, Sóc Sơn, TP.Hà Nội) để vào khoa hàng Sân bay Nội Bài nhận hàng, vận chuyển về nội thành Hà Nội giao cho Nông Văn Lư – lái xe của Công ty Nhật Cường.

Tiền cước phí vận chuyển được Nguyễn Bảo Ngọc chỉ đạo thủ quỹ Công ty Nhật Cường đưa tiền mặt cho Lư, để Lư đưa cho Tý khi nhận hàng, sau đó, Tý đưa tiền lại cho Trung.

Nguyễn Văn Tý là người làm thuê, chỉ thấy hàng có niêm phong hải quan, nguyên đai, nguyên kiện nên vận chuyển về giao cho Lư.

Con bảo không, bố đẻ lại bảo có

Kết quả trích xuất dữ liệu trên phần mềm ERP xác định, từ tháng 1/2017 đến tháng 11/2017, Bùi Quang Huy, Trần Ngọc Ánh đã thuê Trung vận chuyển trái phép hàng hóa từ Hồng Kông về Việt Nam, giao cho Công ty Nhật Cường 322 đơn hàng, với hơn 40 nghìn sản phẩm, tổng giá trị hơn 549 tỷ đồng.

Bất ngờ tình tiết con đẻ chối bay nhưng bố lại khai ngược lại ở vụ Nhật Cường

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Bảo Trung khai không biết Nguyễn Văn Tý là ai, tuy nhiên bố đẻ Trung lại khai Tý là bạn Trung. Trong ảnh là lực lượng chức năng tiến hành khám xét cửa hàng của Công ty Nhật Cường.

Công ty Nhật Cường đã trả cho Nguyễn Bảo Trung số tiền cước vận chuyển là gần 14 tỷ đồng.

Theo cáo trạng mà Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố các bị can trong vụ Nhật Cường, Nguyễn Bảo Trung không thừa nhận hành vi phạm tội. Trung nói không biết Nguyễn Văn Tý là ai, không trao đổi với Ánh trong việc vận chuyển hàng hóa.

Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cáo buộc, căn cứ vào lời khai và kết quả nhận dạng của Nguyễn Văn Tý, xác định Trung là người thuê Tý vào sân bay Nội Bài nhận hàng để giao cho Lư.

Lời khai của Trần Ngọc Ánh cũng xác định, Ánh trực tiếp giao dịch, thuê đường dây vận chuyển SH do đối tượng tự giới thiệu tên Sơn để vận chuyển hàng từ Hồng Kông về Việt Nam.

Quá trình giao dịch, đối tượng tên Sơn sử dụng các số điện thoại có đuôi 8989, 8888, 0154, 4757. Kết quả xác minh thấy, Trung chính là người trực tiếp sử dụng số điện thoại có đuôi 8989, 8888.

Đáng chú ý, cáo trạng cũng nêu rõ, lời khai của ông Nguyễn Bảo Ngọc – bố đẻ của Nguyễn Bảo Trung xác định, Nguyễn Văn Tý là bạn của Trung. Đã nhiều lần Tý đến quán ăn của gia đình Trung tại khu tập thể Kim Liên để gặp Trung trao đổi công việc.

Dữ liệu là ảnh chụp màn hình di động của Trần Ngọc Ánh về cuộc hội thoại giữa Ánh với đối tượng Sơn thông qua các số điện thoại có đuôi như trên, hình đại diện là ảnh của Nguyễn Bảo Trung và vợ.

Do vậy, có đủ căn cứ xác định Nguyễn Bảo Trung đã thực hiện hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa từ Hồng Kông về Việt Nam.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cáo buộc, Trung phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm là người giúp sức cho Bùi Quang Huy thực hiện hành vi buôn lậu, với hơn 40 nghìn sản phẩm, giá trị hơn 549 tỷ đồng.

Nguyễn Bảo Trung được hưởng lợi số tiền gần 14 tỷ đồng.

Nguyễn Hòa
Theo Dân Việt