Thứ sáu, 29/03/2024 | 12:17
RSS

Băn khoăn đỗ ô tô ngày chẵn, lẻ

Thứ tư, 09/11/2016, 07:32 (GMT+7)

Một số chuyên gia cho rằng đề xuất của TP Hà Nội tuy hợp lý song quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn

Sở giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa đề xuất UBND TP cho thí điểm phương án tổ chức trông giữ ô tô dưới lòng đường theo ngày chẵn - lẻ từ tháng 11-2016 tại phố Dã Tượng (quận Hoàn Kiếm). Sau đó, rút kinh nghiệm và dự kiến từ tháng 1-2017 sẽ triển khai ở 4 tuyến phố khác.

Người dân gặp khó

Ông Nguyễn Hồng Đạt, Chánh Văn phòng Sở GTVT, cho biết sau khi được TP giao nhiệm vụ, đơn vị đã họp với các ban chuyên môn, chuyên gia nghiên cứu thực tế tại các tuyến đường để đưa ra phương án, lộ trình hợp lý. Hiện tại, TP HCM, Đà Nẵng đã áp dụng đỗ ô tô theo ngày và mang lại hiệu quả cao.

Nhiều ô tô dừng đỗ sai quy định trên phố Dã Tượng

Nhiều ô tô dừng đỗ sai quy định trên phố Dã Tượng

“Trước mắt, trong tháng 11, chúng tôi chọn phố Dã Tượng làm thí điểm bởi có mặt cắt rộng, không gây ảnh hưởng quá nhiều đến giao thông. Sau đó, dự kiến từ quý I/2017 sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng việc đỗ xe theo ngày chẵn - lẻ tại 4 tuyến phố: Nguyễn Gia Thiều, Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm); Trần Xuân Soạn, Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng)” - ông Đạt nói.

Theo ông Đạt, Sở GTVT sẽ cấp bổ sung trông giữ xe cả hai bên trên phố Dã Tượng cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội khai thác theo hướng ngày chẵn trông xe bên số nhà chẵn, ngày lẻ trông xe bên số nhà lẻ.

Phương án này bảo đảm công bằng cho người dân sống và kinh doanh trên các tuyến phố được tổ chức trông xe dưới lòng đường, không đỗ xe cố định một bên như phố Dã Tượng hiện nay.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, chiều 5-11, tại các phố Dã Tượng, Cửa Đông, Nguyễn Gia Thiều..., mặc dù Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã kẻ vạch dừng đỗ một bên đường cho các phương tiện và có biển cấm đỗ song tình trạng dừng đỗ ô tô vẫn sai quy định.

Qua quan sát, lòng phố Dã Tượng, Cửa Đông chỉ rộng khoảng 10 m, song nhiều ô tô đỗ hai bên đường khiến các phương tiện giao thông phải chạy chậm lại do bị cản trở. Thậm chí, nhiều phương tiện phải đi ra giữa đường, lấn sang làn phía đối diện.

Phố Dã Tượng là khu vực trung tâm nên rất nhiều trụ sở công sở đặt tại đây, gây không ít khó khăn cho các hộ kinh doanh buôn bán. Chị Hoa, một người kinh doanh trên phố Dã Tượng, nói: “Con phố chỉ dài hơn 100 m nhưng số lượng ô tô gửi tại đây rất nhiều.

Ban ngày, bãi trông giữ ô tô đều kín xe của các công sở. Khách hàng muốn vào cửa hàng thì rất khó khăn mới tìm được chỗ gửi hoặc đỗ xe trái phép bên đường nên nhiều người không muốn vào”.

Giải pháp tình thế

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng đề xuất trên là hợp lý nhưng chỉ là giải pháp mang tính tình thế trong hoàn cảnh Hà Nội đang thiếu hệ thống giao thông tĩnh như gara, bãi đỗ xe lớn....

Tuy nhiên, khi thực hiện cần lưu ý vì có những con phố không thể áp dụng được do lòng đường hẹp, mật độ phương tiện tham gia giao thông dày đặc.

Bên cạnh đó, phải có quy định rõ ràng, lực lượng chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt, thường xuyên nhắc nhở, giám sát việc thực hiện quy định dừng, đỗ xe của các chủ phương tiện. Ngoài ra, phải xây dựng chế tài thưởng phạt rõ ràng đối với người tham gia giao thông.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên, cho rằng đây chủ trương đúng đắn của TP song quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn. Các tuyến phố đang khai thác điểm đỗ ô tô hiện nay đã được kẻ vạch và cho thuê phần đường ra vào của nhiều cơ quan công sở, nếu làm mới thì phải tiến hành thu hồi, hủy hợp đồng…

Năm 2030 mới cấm xe máy trong nội đô

Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết giao thông là vấn đề chịu sức ép rất lớn đối với Hà Nội. Hiện Hà Nội có khoảng 560.000 ô tô, 5,5 triệu xe máy. Tỉ lệ gia tăng của ô tô gần 17%/năm, xe máy gần 8%. Trong khi đó, diện tích khu vực nội đô không mở rộng, tốc độ đầu tư cho hạ tầng của TP chỉ gần 4%/năm.

Trong dự thảo, Hà Nội dự tính đến năm 2025 sẽ cấm xe máy trong khu vực các quận nội đô. Thế nhưng, thực tế hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nên có khả năng phải giãn thời gian vào khoảng năm 2030.

“Tốc độ gia tăng phương tiện giao thông và dân số cao hơn rất nhiều so với phát triển hạ tầng. Vì vậy, việc hạn chế phương tiện cá nhân là phải làm. Khi đó, TP phải chuẩn bị tốt việc đầu tư phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện và phát triển hạ tầng” - ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

 

Nguyễn Hưởng
Theo Người Lao Động