Thứ bảy, 18/01/2025 | 23:45
RSS

Bác kháng cáo kêu oan của nguyên CSGT 'gọi bạn xã hội đánh chết người'

Thứ năm, 25/07/2019, 11:23 (GMT+7)

Ngày 25/7, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm vụ án “cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như, nguyên CSGT 'gọi bạn xã hội đánh chết người'.

Ngày 25/7, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm vụ án “cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như (38 tuổi, từng công tác tại Đội CSGT Công an Q.Tân Bình, TP.HCM) theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo. Theo đó, HĐXX bác kháng cáo và giữ nguyên mức án 12 năm tù đối với Như.

Trước đó, tháng 3/2019, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Như và “bạn xã hội” Nguyễn Minh Chung cùng 12 năm tù. 3 bị cáo còn lại trong vụ án không kháng cáo là: bị cáo Ngô Thành Vương 9 năm tù, bị cáo Trần Đức Vững 11 năm tù, bị cáo Phạm Thanh Kim Hạnh 5 năm tù.

Đồng thời, HĐXX cấp sơ thẩm cũng tuyên buộc 5 bị cáo liên đới bồi thường hơn 158 triệu đồng cho gia đình người bị hại, liên đới cấp dưỡng 3 triệu đồng/người/tháng cho 2 người con của người bị hại, kể từ ngày 27/6/2014 đến khi các cháu đủ 18 tuổi. 

Theo đại diện Viện kiểm sát, Phạm Sỹ Hoài Như là tổ trưởng tổ công tác của đội CSGT Công an quận Tân Bình. Khi lập chốt kiểm tra tại Đài tưởng niệm liệt sĩ, giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý, tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính với ông Nguyễn Văn Chín về lỗi điều khiển phương tiện giao thông khi nồng độ cồn vượt mức cho phép. 

Liên tục kêu oan, nguyên CSGT 'gọi bạn xã hội đánh chết người' bị bác kháng cáo
Chân dung Phạm Sỹ Hoài Như. Ảnh: SGGP

Do ông Chín không ký tên vào biên bản mà cự cãi nên Như điện thoại cho Nguyễn Minh Chung (27 tuổi) để "nhờ Chung giúp đỡ". Sau khi nhận được điện thoại của Như, Chung gọi điện thoại cho 3 người khác cùng tới đánh ông Chín khiến nạn nhân tử vong sau đó tại bệnh viện.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Minh Chung đã bất ngờ thay đổi lời khai. Theo bị cáo Chung, những lời khai trước đó đều không đúng. Sự thật, theo bị cáo thì "Như chỉ gọi điện thoại cho bị cáo nhờ đến đưa ông Chín về nhà vì ông Chín say xỉn, không nhận thức được hành vi của mình". 

Tuy nhiên, do ông Chín lớn tiếng mắng chửi nên các bị cáo mới dùng tay đánh ông Chín. Bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như cũng cho rằng mình bị truy tố, xét xử về tội cố ý gây thương tích là oan, bởi bị cáo "không chỉ đạo các bị cáo khác đánh ông Chín mà chỉ gọi điện nhờ đưa ông Chín về nhà".

Không chấp nhận lời khai này của các bị cáo, đại diện VKS cho rằng việc các bị cáo thay đổi lời khai là để quanh co chối tội. Lời khai trước đây của các bị cáo về việc Phạm Sỹ Hoài Như gọi Chung đến đánh ông Chín là phù hợp với lời khai của các bị cáo khác trong vụ án.

Trong lời nói sau cùng Như trình bày sự việc, hậu quả là ngoài ý muốn, bị cáo chưa bao giờ mong muốn việc này xảy ra và mong HĐXX có mức án phù hợp để bị cáo trở về với gia đình.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN