Thứ tư, 13/11/2024 | 02:21
RSS

8 Lý do khiến bà bầu bị chóng mặt khi mang thai & cách khắc phục

Thứ sáu, 17/02/2023, 12:03 (GMT+7)

Bà bầu sẽ thường bị chóng mặt khi mang thai 3 tháng đầu. Trong một số trường hợp vẫn có thể bị trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Đây là một dấu hiệu sinh lý bình thường, nhưng cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý tiềm ẩn mà bà bầu không thể chủ quan.

I - Nguyên nhân gây ra chóng mặt khi mang thai

1. Bà bầu chóng mặt khi mang thai 3 tháng đầu

1.1 Nội tiết tố tăng cao

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chóng mặt khi mang thai. Nội tiết tố tăng giúp tăng lượng máu đến thai nhi nhưng lại gây ra tình trạng huyết áp thấp do làm chậm sự trở lại của máu trong tĩnh mạch bà bầu, làm giảm lưu thông máu lên não gây chóng mặt.

1.2 Lượng đường trong máu suy giảm

Chóng mặt cũng là do lượng đường trong máu thấp, xảy ra khi cơ thể bà bầu phải thích nghi với những thay đổi trong quá trình trao đổi chất. Bên cạnh đó, phụ nữ bị thiếu máu cũng có thể dễ bị chóng mặt hơn những trường hợp khác.

vì sao chóng mặt khi mang thai

1.3 Nôn nghén quá mức

Khi bà bầu bị nôn nghén trong thai kỳ, tình trạng chóng mặt cũng có thể xảy ra. Nguyên nhân là do sự thay đổi lượng hormone trong cơ thể. Và do bà bầu trong thời gian nghén không ăn uống được nhiều gây ra. Tình trạng này sẽ giảm dần trong tam cá nguyệt thứ hai.

Để khắc phục tình trạng này, bác sĩ có thể đề xuất cho bà bầu một chế độ ăn uống cụ thể, nhập viện để truyền thêm chất lỏng và được theo dõi hoặc dùng thuốc kê đơn.

1.4 Mang thai ngoài tử cung

Mang thai ngoài tử cung là tình trạng trứng thụ tinh rồi tự làm tổ bên ngoài tử cung. Nếu trường hợp này xảy ra, thai nhi không thể tồn tại được. Và bà bầu có thể bị chóng mặt, đau bụng, chảy máu âm đạo… 

2. Bị chóng mặt khi mang bầu 3 tháng giữa thai kỳ

2.1 Do tư thế nằm của bà bầu

Đó có thể là do tư thế nằm ngửa của bà bầu. Nằm ngửa có thể gây ra chóng mặt vì khi đó, tử cung của mẹ bầu sẽ mở rộng và làm chậm quá trình lưu thông máu từ hai chi dưới tới tim.

2.2 Chứng tiểu đường thai kỳ

Khi bị tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu sẽ xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, đau đầy, đổ mồ hôi, người run rẩy… Khi được chẩn đoán mắc bệnh, bà bầu sẽ phải theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên, đồng thời tuân thủ một chế độ ăn kiêng và kế hoạch tập thể dục nghiêm ngặt.

3. Chóng mặt khi mang thai 3 tháng cuối

Trong 3 tháng cuối thai kỳ, bà bầu cũng có thể cảm thấy chóng mặt vì lúc này, lượng máu trong cơ thể sẽ tăng lên khoảng 30 đến 50% để nuôi thai nhi, khiến huyết áp của bà bầu tăng gây chóng mặt.

Một số trường hợp khác cũng có thể do quá trình tuần hoàn máu của bà bầu trở nên khó khăn hơn vì sự tăng kích thước của thai nhi.

nguyên nhân chóng mặt khi mang thai

4. Trường hợp chóng mặt trong suốt thời kỳ mang thai

4.1 Thiếu máu

Ngoài chóng mặt, thiếu máu còn có thể gây ra tình trạng mệt mỏi, xanh xao, khó thở. Nguyên nhân là do cơ thể bà bầu bị giảm số lượng tế bào hồng cầu vì không có đủ axit folic và sắt trong cơ thể.

Thiếu máu có thể xảy ra bất cứ thời gian nào trong thai kỳ. Vì vậy mẹ bầu nên lưu ý bổ sung thêm sắt hoặc axit folic theo khuyến cáo của bác sĩ để phòng tránh được tình trạng này.

4.2 Mất nước

Cũng giống như thiếu máu, tình trạng mất nước cũng có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Lý do là bởi cơ thể bà bầu lúc này cần nhiều nước hơn. Chính vì thế, bà bầu nên uống ít nhất 8 đến 10 cốc nước mỗi ngày trong giai đoạn đầu của thai kỳ và tăng lượng nước đó khi bổ sung nhiều calo hơn vào chế độ ăn uống của mình.

II - Làm sao để hết chóng mặt khi mang thai?

Bà bầu có thể thực hiện một vài cách sau để giúp phòng tránh hoặc giảm bớt chóng mặt khi mang thai như:

  • Hạn chế đứng một chỗ trong thời gian dài.
  • Cố gắng di chuyển khi đang đứng để tăng cường tuần hoàn máu.
  • Dành thời gian đứng dậy từ tư thế ngồi hoặc nằm xuống.
  • Tránh nằm ngửa trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.
  • Áp dụng chế độ ăn khoa học và lành mạnh.
  • Uống nhiều nước.
  • Mặc quần áo rộng, thoải mái.

Trong trường hợp chóng mặt đột ngột hoặc dữ dội, có thể kèm theo các triệu chứng khác như chảy máu âm đạo, đau bụng, tim đập nhanh, tức ngực, khó thở, đau đầu dữ dội… cần đến các cơ sở y tế ngay lập tức để được bác sĩ can thiệp kịp thời.

thông tin tư vấn

DS. Hương Giang
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại