Thứ sáu, 26/04/2024 | 03:45
RSS

6 chủng virus mới có họ hàng với virus corona

Thứ hai, 13/04/2020, 09:51 (GMT+7)

Sau khi thu thập hàng trăm mẫu nước bọt và phân dơi, các nhà khoa học Myanmar vừa phát hiện 6 chủng virus có họ hàng với virus corona chủng mới (Sars-CoV-2).

 6 chủng virus mới có họ hàng với virus corona
Phát hiện thêm chủng mới cùng họ với virus corona. Ảnh minh họa.

Các nhà khoa học cho biết, 6 chủng virus mới được phát hiện cùng họ với virus corona chủng mới (Sars-CoV-2). Tuy nhiên, chúng không giống Sars-CoV-2 hay hai chủng virus corona khác từng gây dịch bệnh nghiêm trọng là SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS (Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông) về di truyền.

6 chủng virus mới được tìm thấy khi các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu dơi ở Myanmar. Dơi là đối tượng nghiên cứu quan trọng vì giới chuyên gia cho rằng chúng mang hàng nghìn chủng virus corona chưa được biết đến. Virus corona chủng mới nhiều khả năng cũng bắt nguồn từ dơi và lây sang người qua một động vật trung gian, Chất lượng Việt Nam đưa tin. 

Từ năm 2016 - 2018, nhóm nghiên cứu thu thập mẫu nước bọt và phân từ 464 con dơi thuộc ít nhất 11 loài tại ba địa điểm ở Myanmar. Đây cũng chính là những nơi con người tiếp xúc gần với động vật hoang dã do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tiến hành các hoạt động giải trí văn hóa và hoạt động khác.

"Hai trong ba địa điểm này có những hang động mà con người thường xuyên tiếp xúc với dơi để thu gom phân, thực hiện các hoạt động tôn giáo và du lịch sinh thái", nhóm nghiên cứu cho biết.

Nhóm chuyên gia phân tích trình tự gene từ số mẫu vật lấy được rồi so sánh với hệ gene của những chủng virus corona đã biết. Kết quả, họ tìm thấy virus PREDICT-CoV-90 ở loài dơi mang tên Scotophilus heathii, PREDICT-CoV-47 và 82 ở loài Chaerephon plicatus, PREDICT-CoV-92, 93 và 96 ở loài Hipposideros larvatus.

"Có thể nhiều chủng virus corona không nguy hiểm với người. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm những bệnh này ở động vật là cơ hội để chúng ta tìm hiểu mối đe dọa tiềm tàng. Theo dõi chặt chẽ, nghiên cứu và giáo dục là những công cụ tốt nhất chúng ta có để ngăn ngừa dịch bệnh", Suzan Murray, một thành viên nhóm nghiên cứu nhận xét.

Tính đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận 1.846.680 ca nhiễm và 114.090 ca tử vong do nCoV tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 78.825 và 5.809 ca so với hôm qua. 421.497 người đã hồi phục, Vnexpress đưa tin. 

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 554.226 ca nhiễm nCoV, tăng 29.323 trường hợp so với hôm qua, trong đó 21.994 người chết.

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 3.804 ca nhiễm và 603 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 166.831 và 17.209. Nước này là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Chính phủ Tây Ban Nha đã ra lệnh kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới ngày 25/4 và có thể gia hạn dù tình hình dịch bệnh có nhiều tín hiệu tích cực.

Khẩu trang sẽ được phát miễn phí tại trạm tàu điện ngầm và ga xe lửa từ ngày 13/4 khi một số công ty mở cửa trở lại sau thời gian "ngủ đông" hai tuần, Bộ trưởng Y tế Ana Mato cho hay.

Italy phát hiện 4.092 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm toàn quốc lên 156.363, trong đó 19.899 người chết, tăng 431 ca. Italy từ ngày 9/3 phong tỏa toàn quốc, yêu cầu dân chúng ở nhà và đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu.

Thủ tướng Giuseppe Conte ngày 11/4 gia hạn phong tỏa đến 3/5, nhưng cho phép một số loại cửa hàng mở lại vào tuần tới, như hiệu sách, tiệm văn phòng phẩm và cửa hàng bán quần áo trẻ em. Conte cho biết ông sẽ tiếp tục đánh giá xu hướng Covid-19 hàng ngày và "hành động phù hợp" nếu điều kiện cho phép. 

Pháp là vùng dịch lớn thứ 4 thế giới với 132.591 người dương tính nCoV và 14.393 người chết, tăng lần lượt 2.937 và 561 ca so với hôm trước. Pháp phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/3, dự kiến kéo dài đến 15/4. Tuy nhiên, chính quyền Pháp được cho là sẽ gia hạn phong tỏa vì biện pháp này đang cho thấy tính hiệu quả trong kiềm chế dịch.

Đức báo cáo thêm 2.402 ca nhiễm, nâng tổng số người dương tính nCoV lên 127.854, trong đó 3.022 người chết. Chính phủ Đức đã đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến 19/4. Nước này dự kiến ra mắt ứng dụng điện thoại theo dõi các chuỗi lây nhiễm vào cuối tháng.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho hay Covid-19 sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự Liên minh châu Âu (EU) khi Đức đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của khối trong 6 tháng cuối năm nay.

Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với 84.279 người nhiễm. Số ca tử vong trong 24 giờ qua tăng thêm 737, nâng số người chết vì nCoV lên 10.612. Các chuyên gia Mỹ cảnh báo Anh sẽ trở thành quốc gia hứng chịu hậu quả nghiêm trọng lớn nhất vì Covid-19 ở châu Âu, có thể chiếm hơn 40% ca tử vong ở châu lục.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 12/4 xuất viện ở London và sẽ tiếp tục điều trị Covid-19 tại nhà nghỉ dưỡng ở vùng ngoại ô Chequers. Trong video đăng trên Twitter sau khi rời bệnh viện, ông gửi lời cảm ơn tới Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) Anh vì đã "cứu mạng mình".

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC