Ông Công ông Táo là các vị thần bếp trông nom cuộc sống của toàn bộ gia đình. Thần Táo quân gồm ba vị định đoạt phước cho gia đình: một bà Táo và hai ông Táo.
Theo quan niệm dân gian Việt Nam từ bao đời nay, cứ vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về thiên đình để trình báo mọi việc của gia đình dưới hạ giới xảy ra trong một năm với Ngọc hoàng. Vì thế mà có tục cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời.
Tuy nhiên, việc cúng lễ trong ngày này đòi hỏi nhiều tục lệ đi kèm mà gia chủ nên tuân theo để tránh phạm phải những đại kỵ trong phong thủy và cũng để đón phước lộc được trọn vẹn.
Không cúng lễ ở dưới bếp
Nhiều người quan niệm rằng, ông Công ông Táo là vị thần bếp nên sẽ đặt mâm cơm và đồ lễ ở bếp để cúng, tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm.
Báo Khám phá đăng tải ý kiến của các chuyên gia phong thủy cho biết, việc làm lễ cúng ông Công, ông Táo nên được tiến hành ở bàn thờ thần linh gia tiên, không nên đặt mâm lễ cúng ở dưới bếp. Khi cúng, nên đặt cá chép ở cạnh khu vực thờ cúng.
Khi cúng phải bật bếp lên cho cháy rực, mâm cỗ đề huề, cả nhà quanh năm no ấm.
Không cúng sau 12h trưa ngày 23
Mỗi năm chỉ có duy nhất một ngày Ngọc hoàng nghe các Táo báo cáo. Táo quân nào lên thiên đình sớm thì cũng phải đợi ngày thiết triều. Táo quân lên muộn thì đã bãi triều rồi nên không gia đình nào cúng sau 12h trưa ngày 23 tháng Chạp.
Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, các gia đình đi làm công sở cả ngày hoặc vướng bận chuyện công việc… nên khó thu xếp thời gian để cúng đúng ngày.
Các chuyên gia phong thủy cho biết, tùy theo điều kiện thời gian mà mỗi gia đình có thể chọn ngày, giờ cúng khác nhau. Các gia đình có thể cúng ông Táo trước 1-2 ngày đều được, nhưng tốt nhất nên cúng trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp.
Tuy nhiên, thời điểm tốt nhất có thể tiến hành cúng bắt đầu từ trưa hoặc tối ngày 22 tháng Chạp để ông Táo thảnh thơi về chầu trời.
Phải thả cá chép từ từ nhẹ nhàng để cá bơi ra xa
Không thả cá từ trên cao
Cá chép tượng trưng cho thần linh nên các gia đình cần lưu ý, tốt nhất là ngồi xuống ven sông hồ, thả cá từ từ nhẹ nhàng để cá bơi ra xa. Tuyệt đối không được đứng từ trên cao như trên cầu, đường ném cá chép xuống sông bởi rất có thể cá sẽ chết.
Về cỗ cúng ông công, ông Táo, gia đình có thể lễ chay hay mặn đều được. Lễ chay thì gồm có giấy vàng, giấy bạc, tờ tiền, cau trầu, nước và hoa quả.
Còn lễ mặn thì có thể cúng giò chả, chân giò, xôi, canh măng, thịt gà… Tuy nhiên phải ngoại trừ một số loại thịt như các món làm từ Vịt, chim, ngỗng, trâu, bò, dê, chó.
Không nên cầu xin quá nhiều khi cúng lễ
Có rất nhiều người cúng ông Công, ông Táo không quên xin được làm ăn phát đạt, tấn tài tấn lộc, sung túc. Tuy nhiên, ngày lễ cúng ông Công ông Táo lên thiên đình là để báo cáo việc lớn nhỏ của gia chủ trong năm vừa qua với Ngọc Hoàng chứ không liên quan gì đến vấn đề tài lộc, tiền bạc.
Clip: Cách bài trí lễ vật cúng ông Táo. Nguồn: pháp luật TP.HCM online