Thứ bảy, 18/01/2025 | 11:16
RSS

4 huyện tại TP HCM được định hướng phát triển lên thành phố

Thứ sáu, 03/06/2022, 07:27 (GMT+7)

Hiện có 4 huyện là Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn định hướng phát triển thành thành phố thuộc TP HCM. Riêng huyện Nhà Bè được đầu tư, xây dựng thành quận thuộc TP HCM.

Sự kiện:
TP.HCM

Tại hội nghị triển khai các đề án khoa học (đề cương chi tiết đề án nhánh) thuộc đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP HCM giai đoạn 2021-2023 diễn ra ngày 2/6, UBND TP.HCM triển khai 5 đề án khoa học xây dựng các huyện thành quận hoặc TP thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030.

Cụ thể, định hướng huyện Cần Giờ phát triển thành TP trực thuộc TP.HCM, phát triển TP xanh, du lịch sinh thái thân thiện môi trường, trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao, có đủ sức cạnh tranh và thu hút khách du lịch với các trung tâm du lịch khác tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Huyện Củ Chi được đề xuất phát triển thành TP trực thuộc TP.HCM theo hướng đô thị sinh thái thông minh, phát triển các khu du lịch sinh thái ven sông; xây dựng, phát triển các trung tâm khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị...

Huyện Hóc Môn phát triển thành TP thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030. Huyện sẽ phát triển thương mại, dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp. Tận dụng tiềm năng đất đai và nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển ngành logistics…

Huyện Bình Chánh sẽ chuyển thành TP trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện đề ra các chương trình đột phá gồm: chương trình đột phá đổi mới phát triển, đột phá hạ tầng, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực.

Riêng huyện Nhà Bè định hướng phát triển thành quận đô thị vệ tinh. Tập trung xây dựng quy hoạch đô thị mang tính chiến lược, linh hoạt có tính đa địa phương, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và lành mạnh, giao thông thông suốt, tập trung xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số.

4 huyện tại TP HCM được định hướng phát triển lên thành phố

Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch chung Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM cho biết, các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè đều ở vị trí cửa ngõ của TP HCM, kết nối với các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ. Trong những năm qua, các huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, khi thành lập chính quyền đô thị sẽ giải quyết được các khó khăn, bất cập về tổ chức bộ máy, tạo điều kiện khai thác tiềm năng sẵn có của khu vực này.

Theo Sở Nội vụ TP.HCM, qua đối chiếu các tiêu chí khi chuyển huyện thành quận hoặc TP, dựa trên các yếu tố về dân số, diện tích, trình độ phát triển kinh tế- xã hội và cơ sở hạ tầng thì Bình Chánh là huyện đạt nhiều tiêu chí nhất (26/30 tiêu chí). Huyện Cần Giờ là địa phương đạt thấp nhất chỉ có 19/30 tiêu chí, huyện Nhà Bè và Củ Chi đạt 23/30 tiêu chí.

Tại hội nghị, đa số ý kiến đều cho rằng việc chuyển 5 huyện thành quận hoặc thành phố là chủ trương đúng, phù hợp với xu thế của xã hội và nhu cầu phát triển của TP HCM - đô thị lớn nhất Việt Nam. Điều này tạo nhiều thời cơ và cơ hội tốt cho việc đầu tư, giãn cách mật độ đô thị; tạo không gian sinh kế phát triển phù hợp cũng như giúp hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính ở mức cao. TP HCM cũng sẽ có cơ hội thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường hoạt động khởi nghiệp, đào tạo và phát triển chất lượng nguồn nhân lực.

Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Huỳnh Thanh Nhân đề nghị các huyện tiếp nhận nội dung các đề án và căn cứ tình hình thực tế tại huyện để xây dựng đề án đầu tư, xây dựng huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP HCM.

Bên cạnh đó, ông Nhân cũng đề nghị các chủ đề án khẩn trương tiếp thu những ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề án trước ngày 30/6; đối với các đề án của huyện phải hoàn thành trước ngày 30/8 để trình UBND TP HCM trong tháng 9/2022.

Về đề án phát triển hạ tầng đô thị, TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, thuộc Sở QH-KT TP.HCM cho rằng, cần phải có quy hoạch cụ thể, cập nhật đề án trong đợt điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới; cùng đó là chiến lược tạo ra quỹ đất, chính sách đền bù, tạo cuộc sống mới cho người dân và chiến lược huy động nguồn lực ban đầu để tạo ra nguồn lực mới, cân đối nguồn vốn Trung ương với địa phương.

Trong khi đó, TS Nguyễn Ngọc Hiếu, Đại học Việt Đức cũng nêu, khi chuyển đổi, các huyện cần phát huy lợi thế về địa lý cảnh quan sông nước, phải ưu tiên phát triển đường thủy, đường bộ. Ông Hiếu cũng cho rằng các huyện có nguồn lực đất đai lớn nên khi chuyển đổi, bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội thì cần giải quyết các vấn đề môi trường cho TP như ngập lụt đô thị, ô nhiễm nước, suy thoái đất, xâm thực mặn.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại