Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:32
RSS

4 bộ phim điện ảnh Việt chi cả tỷ đồng cho phục trang, bao năm nhìn lại tạo hình nhân vật vẫn đẹp xuất sắc

Thứ năm, 02/02/2023, 06:41 (GMT+7)

"Mỹ nhân kế" là một trong những bộ phim điện ảnh Việt có sự đầu tư khủng về mặt phục trang. Dù nhận về nhiều ý kiến trái chiều vì cho rằng các thiết kế quá táo bạo hở hang nhưng không thể phủ nhận rằng, bao năm nhìn lại tạo hình của các mỹ nhân vẫn rất xuất sắc.

Cùng với sự đầu tư về bối cảnh, những năm trở lại đây, phục trang Việt trong phim điện ảnh cổ trang bắt đầu được các nhà làm phim chú trọng. Một bộ phục trang đẹp và đúng bối cảnh không chỉ thỏa mãn phần nhìn, còn góp phần không nhỏ khắc họa tính cách nhân vật, tạo nên thành công của phim.

Tấm Cám: Chuyện chưa kể - dự án "khủng" đầu tư 2 tỷ cho phục trang

Phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể (do Ngô Thanh Vân đạo diễn) có mức kinh phí thực hiện lên đến 20 tỷ đồng, trong đó, phần thiết kế phục trang chiếm khoảng 2 tỷ đồng. Đằng sau những phục trang tuyệt đẹp của các diễn viên là công sức của những NTK Trịnh Hoàng Diệu, Thuỷ Nguyễn, Mai Lâm, Tùng Vũ…

Phục trang của Tấm Cám: Chuyện chưa kể sử dụng kỹ thuật thêu thủ công tỉ mỉ như thêu ruy băng, thêu chỉ nhưng được làm mới bằng chất liệu, màu sắc và họa tiết. Có thể nói đây là một nỗ lực đáng kể của ê-kíp thực hiện phục trang cho phim.

4 bộ phim điện ảnh Việt chi cả tỷ đồng cho phục trang

Phục trang ấn tượng của hai nhân vật Tấm và Cám trong phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể. (Ảnh: NSX)

NTK Tùng Vũ đảm nhận nhiều phần thiết kế cho các diễn viên chính. Với kỹ thuật thêu, đính được thể hiện bay bổng, Tùng Vũ đã áp dụng để cho ra những chiếc áo duyên dáng của Tấm, Cám… Từ cội nguồn trang phục cổ truyền Việt Nam, trong bối cảnh câu chuyện cổ tích Tấm Cám, các nhà thiết kế khai thác nét đẹp xưa nhưng thông qua lối thể hiện có phần hiện đại. Những chiếc áo yếm của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ xưa được làm nổi bật duyên dáng.

4 bộ phim điện ảnh Việt chi cả tỷ đồng cho phục trang

Trang phục của Cám với thiết kế đa màu sắc. (Ảnh: NSX)

4 bộ phim điện ảnh Việt chi cả tỷ đồng cho phục trang

"Dì ghẻ" Ngô Thanh Vân diện trang phục chủ đạo màu đen. (Ảnh: NSX)

Trang phục của phim nhận rất nhiều lời khen, xong cũng gặp phải những ý kiến trái chiều. Không ít người cho rằng, váy áo của Tấm, Cám, dì ghẻ, Thái tử... được cách tân, sáng tạo không đúng với lịch sử thời trang trong các triều đại Việt Nam xưa.

Chia sẻ về vấn đề này, đạo diễn Tấm Cám: Chuyện chưa kể cho rằng, phim thuộc thể loại giả tưởng thần thoại - cổ tích lấy cảm hứng từ truyện Tấm Cám - vốn không thuộc bất kỳ triều đại lịch sử nào. Vì thế, thiết kế trang phục nhân vật được thực hiện theo tiêu chí bám sát trang phục truyền thống Việt Nam cùng với những cách tân riêng của ê-kíp.

Nhà thiết kế Thủy Nguyễn - thành viên trong nhóm thực hiện trang phục chia sẻ: “Làm phim cổ xưa, trang phục không nhất thiết chỉ là áo yếm, mấn, tứ thân mà còn nhiều loại trang phục khác".

Mẹ chồng - Màu sắc phục trang nói lên tính cách nhân vật

Mẹ chồng là một dự án phim của đạo diễn Lý Minh Thắng. Ngay từ khi ra mắt công chiếu, phim đã gây chú ý bởi sự đầu tư "khủng" cho phục trang. Phim lấy bối cảnh giả tưởng là vùng Đại Điền (một vùng đất mang phong cách Nam Bộ) năm 50. NTK Thuỷ Nguyễn là người chịu trách nhiệm chính trong phần thiết kế trang phục.

Bài toán khó đặt ra là chỉ với hai loại trang phục chính là áo bà ba và quần lụa đen, NTK Thuỷ Nguyễn phải tạo ra tính cách của tất cả những nhân vật trong một gia đình miền Tây Nam Bộ của phim. Mỗi người phụ nữ trong gia đình hội đồng Lịnh lại được gắn với một màu sắc đặc trưng, thể hiện qua trang phục.

4 bộ phim điện ảnh Việt chi cả tỷ đồng cho phục trang

Bà Hai Lịnh (vai diễn của diễn viên Diễm My 6X) được lấy tông màu vàng, trải dài từ đậm đến nhạt khiến khán giả liên tưởng ngay đến các ông vua, bà hoàng trong cung đình. (Ảnh: NSX)

4 bộ phim điện ảnh Việt chi cả tỷ đồng cho phục trang

Những chiếc áo bà ba của mẹ chồng Ba Trân (siêu mẫu Thanh Hằng thủ vai) luôn có chất liệu nhung, tạo kiểu xếp phồng, sẫm màu và rất sang trọng, thể hiện quyền lực. (Ảnh: NSX)

4 bộ phim điện ảnh Việt chi cả tỷ đồng cho phục trang

Tuyết Mai (do Midu thủ vai) Vốn là một cô gái tân thời, được học ở trường Tây nên trang phục của cô dù là áo bà ba nhưng lại rất gợi cảm, cho thấy sự phóng khoáng, quyết liệt. (Ảnh: NSX)

4 bộ phim điện ảnh Việt chi cả tỷ đồng cho phục trang

Mợ Bảy Loan thể hiện tính truyền thống, nề nếp của nhân vật, trang phục cho mợ Bảy giản dị, khiêm nhường, ít cách điệu nhất, mang màu xanh lá cây. (Ảnh: NSX)

Thiên mệnh anh hùng thắng lớn, được khen hết lời bởi bối cảnh và phục trang

Thiên mệnh anh hùng (đạo diễn Victor Vũ) là dự án điện ảnh thành công vang dội khi giành giải Cánh diều vàng năm 2012. Câu chuyện trong Thiên mệnh anh hùng diễn ra vào thế kỷ 14, xoay quanh vụ thảm án Lệ Chi Viên khiến Đại thi hào Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc.

Bộ phim Thiên mệnh anh hùng có tạo hình tương đối ấn tượng và đẹp mắt cả về bối cảnh và phục trang nhân vật. Được biết, người đảm nhận việc tạo dựng bối cảnh, thiết kế trang phục trong các phim điện ảnh Thiên mệnh anh hùng là ông Jose Mari Basilio Pamintuan (Joji), chuyên gia người Philippines, từng làm việc tại Hollywood.

4 bộ phim điện ảnh Việt chi cả tỷ đồng cho phục trang

Tạo hình của Midu trong phim Thiên mệnh anh hùng. (Ảnh: NSX)

Chia sẻ về khó khăn khi đảm nhận thiết kế bối cảnh và trang phụ trong phim Thiên mệnh anh hùng, ông Joli cho hay: "Thiên mệnh anh hùng là khó khăn nhất bởi bộ phim dựa trên một scandal trong lịch sử. Không có chất liệu hình ảnh nào được tìm thấy khi nghiên cứu và cũng không có tài liệu viết nào về trang phục, chỉ có cuốn Bức Huyết Thư của Bùi Anh Tuấn, dựa trên trên cuộc đời của Nguyễn Anh Vũ sống trong thời đại của Vua Lê Thánh Tông.

Việt Nam thời điểm đó chịu ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc Nhưng, tôi được hướng dẫn kỹ càng và chặt chẽ rằng phải tránh làm một bộ phim giống như phim Trung Quốc. Và tôi cảm thấy việc này rất khó khăn, gần như đi vào ngõ cụt. Đây là lúc tôi cần phải sáng tạo và phải làm sao để tạo ra một thế giới trong phim phù hợp trong thời kỳ ấy. Mỗi yếu tố trang phục trong Thiên mệnh anh hùng đều là thiết kế gốc. Các nhà sản xuất phải đảm bảo được tôi thực hiện một bộ phim thuần Việt".

4 bộ phim điện ảnh Việt chi cả tỷ đồng cho phục trang

Phục trang của Vân Trang gây nhiều trang cãi. (Ảnh: NSX)

Vào vai một nữ kiếm thủ, trang phục chủ đạo của Midu là bộ tứ thân trắng nền nã, giản dị, với chiếc yếm lấp ló thu hút sự chú ý của khán giả.

Đảm trách vai Tuyên Từ Thái hậu, Vân Trang khoác lên mình những bộ hoàng bào rực rỡ, cổ cao, ống tay rộng, thêu họa tiết cầu kỳ, toát lên vẻ quyền uy. Tuy nhiên, thiết kế này vấp phải chỉ trích do có nét tương đồng với trang phục của các hoàng hậu Trung Hoa.

Mỹ nhân kế gây tranh cãi vì phục trang hở bạo

Mỹ nhân kế chính là bộ phim điện ảnh sở hữu nhiều nhan sắc đình đám nhất showbiz Việt. Phim do Thanh Hằng và Tăng Thanh Hà đảm nhận vai nữ chính. Lấy bối cảnh tửu điếm với các kỹ nữ nên tạo hình trong Mỹ nhân kế cũng vô cùng gợi cảm.

4 bộ phim điện ảnh Việt chi cả tỷ đồng cho phục trang

Trang phục ấn tượng của phim Mỹ nhân kế. (Ảnh: NSX)

Phim lấy áo yếm làm trang phục chủ đạo cho các nhân vật. Tạo hình của "ngọc nữ" Tăng Thanh Hà là áo yếm, váy đụp truyền thống nhưng được cách tân hiện đại. Còn về Thanh Hằng, cô diện lên mình những bộ cánh mạnh mẽ với thiết kế áo yếm khoét sâu, váy xẻ tà khoe trọn thân hình quyến rũ.

Phục trang cũng là câu chuyện "đau đầu" nhất mà đạo diễn Nguyễn Quang Dũng gặp phải khi thực hiện bộ phim Mỹ nhân kế. Yêu cầu mà anh đặt ra cho nhà thiết kế trang phục Công Trí là tạo hình đẹp, giống phim kiếm hiệp và mang đậm dấu ấn Việt Nam. Cuối cùng, sau nhiều ngày vất vả, 200 bộ trang phục được hoàn thành, trong đó phục trang của 5 cô gái Kiều Thị, Lan Thị, Đào Thị, Mai Thị, Liễu Thị tượng trưng cho các tính cách khác nhau của mỗi người. Tuy nhiên, phục trang phim Mỹ nhân kế vẫn nhận về nhiều ý kiến trái chiều vì bị cho là hở hang, gợi cảm quá đà.

4 bộ phim điện ảnh Việt chi cả tỷ đồng cho phục trang

Các thiết kế phục trang của phim Mỹ nhân kế từng gây trang cãi vì hở bạo. (Ảnh: NSX)

NTK Công Trí chia sẻ, điểm thu hút của những mẫu phục trang cho các mỹ nhân trong phim chính là sự không trùng lặp và hoàn toàn thuần Việt.

Để đảm bảo yếu tố về giá trị văn hóa dân tộc, anh đã hướng dẫn các NTK trẻ trong ê-kíp tìm hiểu kỹ về trang phục dân tộc, bối cảnh lịch sử, phong tục tập quán… Từ chính chất liệu trong kho tàng văn hóa Việt giúp ê-kíp phác thảo và thiết kế những mẫu váy áo, trang sức, giày cho các nhân vật trong phim. Điểm đặc biệt là tất cả các mẫu trang phục, giày, dép đều được thực hiện thủ công bằng tay để tạo nên độ tinh tế cho từng sản phẩm.

Ngọc Linh
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại