Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:53
RSS

3 vùng nguy cơ của Hà Nội sẽ được phân chia theo tiêu chí nào?

Thứ sáu, 03/09/2021, 12:03 (GMT+7)

Theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia, quận/huyện thuộc "vùng đỏ" có 30% số xã trở lên có nguy cơ rất cao hoặc 50% số xã trở lên có nguy cơ cao hoặc có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lan nhanh trên 50% số xã...

Sự kiện:
Hà Nội

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa thống nhất chủ trương về việc thiết lập 3 vùng giãn cách xã hội theo mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất theo hướng các vùng nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), vùng phía Bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam Thành phố (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).

Trên cơ sở phân vùng, đối với khu vực có nguy cơ rất cao - "vùng đỏ", Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng với nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó" để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để.

Tại các khu vực nguy cơ cao - "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn - "vùng xanh" điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg (15+) để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực "vùng đỏ" bảo đảm khoa học, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương…

Nơi nào là "vùng đỏ", "vùng cam", "vùng xanh"?

Theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Quyết định 2686, "vùng đỏ" (nguy cơ rất cao) là khi có một trong số các yếu tố:

Với cấp huyện là có 30% số xã trở lên có nguy cơ rất cao hoặc 50% số xã trở lên có nguy cơ cao hoặc có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lan nhanh trên 50% số xã; hoặc có khu công nghiệp, cơ sở sản xuất quan trọng (theo chỉ đạo của cấp tỉnh) cần phải bảo vệ tuyệt đối an toàn, tiếp giáp với khu vực có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát, khó truy vết.

3 vùng nguy cơ của Hà Nội sẽ được phân chia theo tiêu chí nào

Lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Ảnh: Ngô Nhung

"Vùng cam" (nguy cơ cao) với cấp huyện là có 30% số xã trở lên có nguy cơ cao, nằm rải rác trên địa bàn huyện hoặc có 50% số xã trở lên ở mức độ nguy cơ hoặc có 1 xã có nguy cơ rất cao; Hoặc có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lây lan nhanh trên 20% số xã; Hoặc có khu công nghiệp, cơ sở sản xuất quan trọng (theo chỉ đạo của cấp tỉnh) cần phải bảo vệ tuyệt đối an toàn, tiếp giáp với khu vực có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát, khó truy vết. 

"Vùng xanh" là những xã, huyện, tỉnh không thuộc các mức trên.

6 ổ dịch mới phức tạp tại Hà Nội gồm những đâu?

Theo số liệu từ CDC Hà Nội đến sáng 3/9, Hà Nội hiện còn 6 ổ dịch phức tạp là: Văn Chương (Đống Đa - 89 ca nhiễm), Văn Miếu (Đống Đa - 111), Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân - 399), chợ Ngọc Hà (Ba Đình - 16), Tân Lập (Đan Phượng - 16), ngõ 24 Kim Đồng (Hoàng Mai - 44 ca).

Như vậy, "vùng đỏ" nhiều khả năng là các quận, huyện có chùm ca bệnh với số F0 cao, lây lan nhanh trong 14 ngày gần đây như Thanh Xuân, Đống Đa, Thanh Trì, Hoàng Mai. Trong đó, quận Thanh Xuân xuất hiện thêm một số khu vực nguy cơ cao như phường Thanh Xuân Nam và Khương Mai.

Ngoài ra, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đan Phượng có khả năng vào danh sách khu vực nguy cơ cao - "vùng cam" do 14 ngày gần đây vẫn xuất hiện ca nhiễm mới ở một số xã, phường.

Huyện Gia Lâm trong 4 ngày gần đây có thêm 3 ca mắc trong một gia đình ở xã Đông Dư. Quận Tây Hồ sáng 3/9 có thêm 1 ca chưa rõ nguồn lây ở phường Yên Phụ.

Các khu vực còn lại của Hà Nội sẽ là "vùng xanh". Đây là những quận, huyện trong 14 ngày qua không có ca nhiễm như Cầu Giấy, Long Biên, Sóc Sơn, Sơn Tây, Mỹ Đức, Ứng Hòa... Các khu vực còn lại của Hà Nội chỉ có một số nơi xuất hiện ca nhiễm lẻ, trong tuần qua chưa ghi nhận thêm các chùm lây nhiễm mới.

Tại Chỉ thị số 06-CT/TU ban hành ngày 1/9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, đối với khu vực "vùng xanh", giao cho Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt từng phương án để tổ chức sản xuất kinh doanh, hỗ trợ sản xuất hàng hóa cho khu vực "vùng đỏ, "vùng da cam", bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Chỉ thị này được đưa ra dựa trên đánh giá nguy cơ về mặt dịch tễ, qua công tác giám sát dịch và theo đề xuất của các ngành, làm sao cho phù hợp nhất để bảo đảm người dân ở "vùng xanh" vẫn có thể sản xuất, kinh doanh; còn tại những vùng nguy cơ, như "vùng đỏ", "vùng cam" tiếp tục được giám sát dịch một cách chặt chẽ, triệt để.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội tới đây, thành phố tiếp tục thực hiện việc sàng lọc, giám sát dịch tại những địa bàn nguy cơ cao ở các quận vùng lõi nội đô, như: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng...

Tại những vùng nguy cơ cao, khu vực phong tỏa và khu vực cách ly, Hà Nội sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 2 đến 3 ngày/lần. Còn tại những khu vực vùng nguy cơ, Hà Nội sẽ thực hiện lấy mẫu từ 5 đến 7 ngày/lần.

Ở những khu vực khác, chính quyền địa phương có nhiệm vụ đánh giá nơi có nguy cơ trên địa bàn để đưa ra đề xuất triển khai thực hiện lấy mẫu xét nghiệm.

T.Nguyên
Theo GiadinhNet